Khởi sắc mô hình y tế vệ tinh
Trong năm qua, các bệnh viện (BV) tuyến cuối của TPHCM bên cạnh việc không ngừng phát triển chuyên môn kỹ thuật ngang tầm các nước trong khu vực, còn thực hiện nhiệm vụ triển khai mô hình BV vệ tinh, khoa vệ tinh.
Theo GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, tính đến cuối năm 2017, có 8 BV của TP là Từ Dũ, Ung bướu, Chấn thương chỉnh hình, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định và Hùng Vương đã triển khai 23 BV vệ tinh tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam và BV Chợ Rẫy - Phnom Penh (tại Campuchia).
Cùng với đó, 5 BV là Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Chấn thương chỉnh hình, Ung bướu và Đa khoa khu vực Thủ Đức đã đặt các khoa vệ tinh tại 4 BV nằm ở cửa ngõ của TP (BV Củ Chi, BV quận 2, BV quận 9, BV quận 7), nhằm giúp giảm tải cho các BV tuyến trên.
Đồng thời, 14 phòng khám vệ tinh của 8 BV (Chấn thương chỉnh hình, Hùng Vương, Nhân dân Gia Định, Ung bướu, Nhi đồng 2, Nhân dân 115, Viện Tim, Mắt) đã đặt tại nhiều BV quận - huyện trên khắp địa bàn TP, góp phần đưa bác sĩ giỏi về y tế cơ sở.
Bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện quận 2
Mô hình phòng khám đa khoa vệ tinh của BV quận đặt tại trạm y tế và mô hình xã hội hóa trạm y tế cũng đã khởi sắc. Điển hình như phòng khám đa khoa vệ tinh của BV quận Thủ Đức đặt tại 2 Trạm y tế phường Bình Chiểu và phường Hiệp Bình Chánh; mô hình của BV quận Tân Phú đặt tại Trạm y tế phường Tây Thạnh; mô hình trạm y tế xã hội hóa tại phường 11 - quận 3.
Cũng theo GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, một hoạt động quan trọng không thể thiếu trong cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh cho người dân, đó là hoạt động cấp cứu ngoài BV. Số lượt cấp cứu ngoài BV đã tăng rõ rệt so với 3 năm trước đây, khi TPHCM chưa có các trạm cấp cứu vệ tinh 115.
Trong năm 2017, số lượt cấp cứu ngoại viện đã vượt con số 12.000. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực đáng trân trọng của Trung tâm Cấp cứu 115, và nhất là sự tham gia làm trạm cấp cứu vệ tinh của các BV quận - huyện và BV tư nhân. Tính đến năm 2017, đã có 25 trạm cấp cứu vệ tinh bao phủ toàn TP.
Nỗ lực giảm tải
Trong năm 2017, tổng số lượt khám chữa bệnh ngoại trú tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP là hơn 42 triệu, bao gồm cả khối BV bộ, ngành. Trong đó, BV TP chiếm 40,3%, BV quận - huyện 24,08%, BV tư nhân 8,93%, phòng khám đa khoa tư nhân 6,28%, trạm y tế 3,74%, còn lại là khối BV bộ, ngành. Tổng số lượt điều trị nội trú là 2,3 triệu lượt; tỷ lệ nhập viện chung toàn TP là 5,42% (cả nước là 10,09%).
Rất nhiều BV tuyến quận - huyện đã có số lượt khám trên 1.000 bệnh nhân/ngày, có nơi trên 5.000 bệnh nhân/ngày như BV quận Thủ Đức, trên 4.000 bệnh nhân/ngày như BV quận Bình Thạnh (4.311 BN/ngày), trên 3.000 bệnh nhân/ngày như BV quận Tân Phú (3.071 BN/ngày); gần 2.800 bệnh nhân/ngày như BV quận Bình Tân...
Theo GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, hiện tại ngành y tế TP đã cơ bản hoàn thành vấn đề giảm tải ở các đầu cấp như nhi, ung bướu; sắp tới, khi đưa vào hoạt động khu khám bệnh hiện đại tại BV Quân y 175, sẽ nỗ lực giảm tải đối với chuyên khoa chấn thương chỉnh hình và ung bướu.
Ngành y tế quan tâm chú trọng phát triển sự nghiệp y tế gắn với quá trình phát triển xã hội của TPHCM, đảm bảo nguồn nhân lực có y đức, tận tụy phục vụ người bệnh, phục vụ cộng đồng, đủ yêu cầu về số lượng và chất lượng, đầu tư y tế kỹ thuật cao, phấn đấu trở thành 1 trong 9 ngành dịch vụ chất lượng cao của TPHCM.
Đồng thời, Sở Y tế đã xây dựng nhiều mô hình kết hợp viện - trường; nâng cấp Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đáp ứng đủ yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực y tế của TP, tiếp tục xây dựng BV thực hành của trường ở Bình Chánh; đề xuất chính sách thu hút, đãi ngộ cán bộ y tế có trình độ đến công tác tại vùng sâu, vùng xa như Cần Giờ, Nhà Bè, BV Nhân Ái…