Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, tình trạng này ngày càng diễn biến căng thẳng, nói theo chuyên môn y tế là tình trạng “sốc bất phục hồi”.
Cụ thể, một số đơn vị sự nghiệp y tế không có nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết 03 (chi thu nhập tăng thêm). Đây là nguyên nhân trực tiếp khiến ngày càng nhiều nhân viên y tế công lập của thành phố chọn nghỉ việc. Tình hình nghỉ việc của nhân viên y tế công lập gia tăng. 9 tháng của năm 2022, TPHCM có trên 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc (tương đương số lượng của cả năm 2021). Trong đó, đáng lo ngại là tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ giảm. “Một số khoa ở một bệnh viện có bác sĩ nhiều hơn điều dưỡng khiến chất lượng chăm sóc, theo dõi người bệnh bị ảnh hưởng. Việc tuyển nhân sự mới rất khó, không đủ bù đắp vào số đã nghỉ việc, người đăng ký học ngành điều dưỡng cũng giảm mạnh”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nhận định.
Bên cạnh đó, ngành y tế cũng phải đối mặt với một loạt khó khăn như: các trạm y tế chưa thu hút được người dân khám chữa bệnh ban đầu do thuốc của trạm chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Hiện nay, một số bệnh viện mất cân đối thu chi, đặc biệt là các bệnh viện đa khoa.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, hiện nhiều bệnh viện chưa được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán chi phí vượt tổng mức thanh toán. Điều này làm cho tình trạng mất cân đối thu chi của các bệnh viện càng lúc càng tăng, làm tăng thời gian giải quyết công nợ. “Một số bệnh viện sa vào cảnh nợ nần kéo dài, đặc biệt là rất khó cho các giám đốc bệnh viện nhỏ”, PGS-TS Tăng Chí Thượng thông tin. PGS-TS cho biết, Sở Y tế TPHCM đã đưa ra những kiến nghị về mặt chính sách, cơ chế để khắc phục tận gốc và các nhóm giải pháp đã được báo cáo, kiến nghị đến lãnh đạo thành phố cũng như đến Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM.