Vắng khách
Tình hình dịch bệnh nghiêm trọng và bất thường khiến người dân siết chặt chi tiêu, đã tác động nặng nề đến việc tiêu thụ VLXD trong nước cũng như xuất khẩu. Ghi nhận tại TPHCM cho thấy, hầu hết các cửa hàng VLXD vẫn mở cửa hoạt động ngay cả những ngày cả nước thực hiện việc cách ly, giãn cách xã hội. “Mở cửa vậy chứ có công trình nào khởi công mới đâu mà bán. Thi thoảng mới có người ra mua mấy cái vòi nước, hộp sơn để sửa chữa dặm vá lại nhà. Thời điểm này của những năm trước là vào mùa xây dựng nên cửa hàng phải có 4-5 người làm, thay phiên nhau chở VLXD. Nay chỉ giữ lại 1-2 người để giao mấy món hàng lặt vặt cho khách sửa nhà. Tiền lời không đủ trả mặt bằng và nhân công”, bà Trần Thị Mến, chủ cửa hàng VLXD Hoàng Long (trên Quốc lộ 22, quận 12) thở dài nói.
Tình hình tiêu thụ sản phẩm thép xây dựng những tháng đầu năm 2020 chỉ đạt khoảng 60% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu bằng 70%. Với mặt hàng tôn mạ kim loại và sơn phủ màu tiêu thụ trong nước đạt gần 70%, xuất khẩu bằng 60%; thép cán nguội bằng 80% và xuất khẩu 43% so với cùng kỳ năm 2019. Tương tự, ngành xi măng đối mặt với tình trạng dư thừa nguồn cung, dẫn đến sự bất ổn của toàn bộ DN xi măng trong ngành. Theo dự báo của Bộ Xây dựng, trong năm 2020, nhu cầu tiêu thụ xi măng nội địa ước tính sẽ tăng 4%-5% so với năm 2019, nhưng dịch bệnh và thiên tai đang diễn ra sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân và nhu cầu về nhà ở sẽ giảm trong thời gian tới. Về xuất khẩu, trong 3 tháng đầu năm, ngành xi măng giảm sâu, chỉ đạt 7,5 triệu tấn, trị giá 291 triệu USD, bằng 60,2% về lượng và 80,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung cho biết, khó khăn của ngành chỉ mang tính thời vụ, đặc biệt trong thời điểm cả nước đang phải ra sức chống dịch, nhiều công trình xây dựng bị hoãn, giãn tiến độ. Hy vọng khi dịch bệnh được khống chế, các hoạt động đầu tư xây dựng trở lại bình thường, nhu cầu tiêu thụ xi măng sẽ tăng trở lại.
Tối ưu các giải pháp
Nhằm chuẩn bị tốt cho kế hoạch phục hồi, một số DN VLXD đang chủ động đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm. Tập đoàn FLC Stone đã kịp thời trang bị hệ thống công nghệ sản xuất hiện đại, khép kín từ khai thác, sản xuất, phân phối, thi công hoàn thiện sản phẩm đá tự nhiên tại Việt Nam. Cùng với 2 nhà máy sản xuất đá công suất hơn 4.000m2/năm đã giúp DN mở rộng thị phần và khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Tương tự, nhiều DN khác đã nỗ lực tìm hướng đi mới, như phát triển vật liệu siêu nhẹ, ứng dụng công nghệ sản xuất thế hệ mới với nhiều đặc tính nổi trội…
Đại diện Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, để ứng phó với tình hình hiện nay, đơn vị đã đẩy mạnh chương trình tiết kiệm, chống lãng phí. Các DN thuộc Vicem phấn đấu tiết kiệm 5% chi phí quản lý. Trong đó, đẩy mạnh việc nghiên cứu sản xuất clinker low carbon nhằm giảm phát thải khí CO2 và bụi, tiết kiệm tài nguyên không tái tạo; đồng thời, giảm tiêu hao nhiệt năng, điện năng, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) cũng cho hay, thị trường diễn biến bất lợi, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số DN thành viên chỉ đạt 23% kế hoạch tháng. Để gỡ khó, VNSteel đã làm việc với các cơ quan hữu quan để nối lại hoạt động xuất nhập bình thường. Đồng thời, tìm kiếm các nguồn nguyên liệu như than cốc đường biển để thay thế từ Nga, Indonesia… VNSteel cũng kiến nghị các giải pháp hỗ trợ, giãn, gia hạn thời hạn nộp thuế cho DN và tăng cường hơn nữa việc xúc tiến thương mại tìm thị trường mới.