Lượng khách đi xe buýt tăng
Số liệu thống kê của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (TTQL-ĐHVTHKCC) thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM cho thấy trong năm 2017, khối lượng VTHKCC bằng xe buýt và taxi đã có sự gia tăng số lượng hành khách.
Cụ thể, khối lượng vận tải hành khách bằng xe buýt ước đạt hơn 306,5 triệu lượt hành khách, tăng 6,4% so với năm 2016 và vượt 1% so với kế hoạch đề ra trong năm 2017. Trong đó, tuyến xe buýt phổ thông có trợ giá đạt hơn 229,3 triệu lượt hành khách, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Xe buýt đưa rước học sinh, công nhân đạt hơn 12,2 triệu lượt, tính ra bằng 100,1% so với năm 2016. Xe buýt không trợ giá đạt hơn 65 triệu lượt hành khách, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước đó. Taxi và các loại hình tương tự khác vận chuyển hơn 297,5 triệu lượt hành khách, tăng 10,4% so với năm 2016.
Tính ra bình quân mỗi ngày, xe buýt phổ thông có trợ giá vận chuyển được gần 630.000 lượt hành khách, với 16.510 chuyến; bình quân mỗi chuyến vận chuyển 41,2 lượt hành khách, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Tính chung, trong năm 2017, khối lượng VTHKCC trên địa bàn TPHCM, bao gồm buýt có trợ giá, buýt không trợ giá và taxi đạt 604,1 triệu lượt hành khách, tương đương mức tăng 1% so chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho cả năm 2017 và tính ra sản lượng vận chuyển hành khách tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong năm 2017, TTQL-ĐHVTHKCC đã thực hiện điều chỉnh 119 đoạn, lộ trình của 74 tuyến xe buýt nhằm tăng cường khả năng phục vụ của mạng lưới xe buýt, cũng như để phù hợp với tình hình phân luồng giao thông phục vụ thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đây là khối lượng công việc không nhỏ, nếu biết rằng trong cả năm 2016, TTQL-ĐHVTHKCC chỉ phải điều chỉnh 13 đoạn, lộ trình của 11 tuyến xe buýt. Tương tự, từ đầu năm đến nay, TTQL-ĐHVTHKCC đã điều chỉnh 799 biểu đồ chạy xe của hơn 100 tuyến xe buýt có trợ giá để phù hợp với nhu cầu đi lại thực tế tại từng thời điểm.
Mặc dù các con số tăng trưởng lượng hành khách đi xe buýt nêu trên vẫn còn ở mức khiêm tốn, nhưng đó là dấu mốc đầy tính khích lệ và đáng ghi nhận của ngành VTHKCC bằng xe buýt tại thành phố; đặc biệt trong bối cảnh lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng liên tục, năm sau nhiều hơn năm trước.
Quản lý qua công cụ hiện đại
Có thể nói, lịch sử hoạt động VTHKCC trên địa bàn thành phố chưa bao giờ lại có nhiều “trợ thủ” giám sát, kiểm tra một cách đắc lực, hiệu quả thông qua những công cụ văn minh, hiện đại như hiện nay.
Còn nhớ cách đây 5 năm, vào năm 2012, những thiết bị giám sát hành trình (GPS) đầu tiên được triển khai trên hệ thống xe buýt thành phố. Đến năm 2014, tới lượt hệ thống camera được lắp đặt trên nhiều phương tiện VTHKCC bằng xe buýt. Và đến thời điểm hiện tại, 100% xe buýt đều có thiết bị GPS và gần 2.000 xe buýt có gắn camera giám sát.
Nếu như việc đưa vào ứng dụng thiết bị giám sát hành trình và camera trên xe buýt là bước tiến cần thiết và đáng kể thì việc kết nối chúng về một đầu mối quản lý (Phòng Điều hành trực tuyến xe buýt thuộc TTQL-ĐHVTHKCC) cũng quan trọng và cần thiết không kém. Bởi việc kết nối dữ liệu từ hệ thống camera và thiết bị giám sát hành trình về Phòng Điều hành trực tuyến xe buýt có tác dụng giúp đưa hình ảnh trực tiếp từ các xe buýt đang lăn bánh về TTQL-ĐHVTHKCC, từ đó có thể chấn chỉnh và xử lý ngay các vi phạm của lái xe, nhân viên phục vụ trên xe buýt, cũng như kịp thời ghi nhận tình hình an ninh trật tự trên xe buýt.
Từ khi đưa vào vận hành Phòng Điều hành trực tuyến xe buýt kể từ ngày 1-3-2017 đến nay, đầu mối này đã giúp các đơn vị chức năng chấn chỉnh một số hành vi vi phạm như tài xế vừa lái xe vừa ăn, vừa lái xe vừa nghe điện thoại, tiếp nhiên liệu khi đang hoạt động trên tuyến, tiếp viên có hành vi chưa đúng mực với hành khách… Số liệu thống kê cho thấy, từ khi đưa Phòng Điều hành trực tuyến xe buýt vào hoạt động, đến nay số vụ vi phạm trong hoạt động VTHKCC bằng xe buýt đã giảm hơn 20% so với thời điểm chưa có phòng này.
Với thời gian hoạt động suốt từ 4 giờ 30 đến 21 giờ 30 hàng ngày, liên tục 7 ngày trong tuần, Phòng Điều hành trực tuyến xe buýt đã từng bước giúp chấn chỉnh và nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ hành khách của đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ; qua đó, góp phần nâng cao chất lượng lẫn sản lượng vận tải hành khách bằng xe buýt.
Không chỉ người dân hay cơ quan quản lý nhà nước mới được hưởng lợi từ việc ứng dụng những công cụ công nghệ cao, ngay cả doanh nghiệp vận tải xe buýt cũng được lợi không kém. Đơn giản, vì qua những công cụ như thiết bị GPS và camera giám sát, giúp doanh nghiệp kiểm soát được hành vi của đội ngũ nhân viên trên từng xe buýt, còn là cơ sở để doanh nghiệp khen thưởng hoặc xử lý kỷ luật lái xe, tiếp viên xe buýt.
Buýt đường sông xuất bến
Ngày 25-11 vừa qua, Công ty TNHH Thường Nhật chính thức đưa vào phục vụ tuyến buýt đường sông đầu tiên trên địa bàn TPHCM với tên gọi tuyến buýt đường sông số 1 Bạch Đằng - Linh Đông. Đó cũng là cột mốc đánh dấu sự ra đời của loại hình giao thông vận tải công cộng theo dạng thức buýt, trên cơ sở khai thác thế mạnh đường thủy nội địa.
Cách đây 2 năm, vào tháng 10-2015, UBND TPHCM đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư 2 tuyến VTHKCC bằng đường thủy trên địa bàn thành phố, gọi cách khác là dự án VTHKCC bằng đường sông theo mô hình xe buýt, tức buýt đường sông.
Theo phê duyệt này, dự án phát triển 2 tuyến buýt đường sông đi theo các tuyến: sông Sài Gòn, kênh Thanh Đa, rạch Bến Nghé và kênh Tàu Hủ, dàn trải qua 8 quận: 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Thạnh và Thủ Đức. Tuyến buýt đường sông số 1 dài khoảng 10,8km, có lộ trình bắt đầu từ bến Bạch Đằng (quận 1) theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa và ra lại sông Sài Gòn để đến khu vực phường Linh Đông thuộc quận Thủ Đức tại vị trí bến khách ngang sông Bình Quới và ngược lại. Với lộ trình này, tuyến số 1 có 7 bến đón - trả khách trên địa bàn các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức.
Trong khi đó tuyến buýt đường sông số 2 (còn có tên gọi tuyến Bạch Đằng - Lò Gốm) dài 10,3km. Tuyến này có lộ trình cũng bắt đầu từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và kết thúc tại khu vực bến Lò Gốm thuộc phường 7, quận 6. Tuyến buýt đường sông số 2 cũng có 7 bến đón - trả khách bố trí trên địa bàn các quận 1, 4, 5, 6 và 8.
Tất cả bến đón - trả khách đều có ki ốt kinh doanh dịch vụ và nhà vệ sinh. Hiện 2 tuyến buýt đường sông tiên phong này cũng cần nhiều hạng mục công trình bổ trợ như khu vận hành bảo dưỡng phương tiện, neo đậu phương tiện về đêm, khu nhà điều hành và các công trình liên quan phục vụ hoạt động kinh doanh dịch vụ hỗ trợ.
Dự án phát triển 2 tuyến buýt đường sông này được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (xây dựng - sở hữu - chuyển giao, gọi tắt hợp đồng BOO). Trong tổng số vốn đầu tư dự án 124,5 tỷ đồng, vốn tự có của doanh nghiệp chiếm 20%, số còn lại đến từ nguồn thuê mua tài chính và tín dụng.
Mặc dù tuyến buýt đường sông tuyến số 1 đã đi vào hoạt động và việc san sẻ với gánh nặng quá tải của giao thông đường bộ còn chưa đáng kể, nhưng dẫu sao sự xuất hiện của loại hình buýt đường sông cũng là điểm sáng trong hoạt động VTHKCC của đô thị lớn nhất nước.