![Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu Phung Duc Tien.jpg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/ahuaohp/2025_02_14/phung-duc-tien-8761-6612.jpg.webp)
Theo Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), năm 2024, cả nước có trên 749.000 ha tôm nước lợ, sản lượng đạt 1,29 triệu tấn (tăng trên 15% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt trên 951.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,95 tỷ USD (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023). Năm 2025, Cục Thủy sản đề ra mục tiêu diện tích tôm nuôi đạt 750.000 ha, sản lượng tôm các loại từ 1,3 đến 1,4 triệu tấn (trong đó, tôm thẻ chân trắng trên 1 triệu tấn), kim ngạch xuất khẩu từ 4 đến 4,3 tỷ USD.
![Chế biến tôm xuất khẩu tại một nhà máy trên địa bàn tỉnh Cà Mau dbc6acf04c83f2ddab92.jpg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/ahuaohp/2025_02_14/dbc6acf04c83f2ddab92-4852-5483.jpg.webp)
Để đạt mục tiêu trên, Cục Thủy sản đề nghị các địa phương bố trí đủ nguồn lực, tài chính, nhân lực; ưu tiên hạ tầng thuỷ lợi, điện, giao thông đầu mối cho vùng nuôi tôm trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi phát triển ngành tôm địa phương. Thực hiện có hiệu quả công tác quan trắc, cảnh báo môi trường để kịp thời khuyến cáo, cảnh báo cho người nuôi; hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật để nuôi tôm hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nuôi.
Tại hội nghị, bà Trần Thụy Quế Phương, Chánh Văn phòng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đưa ra dự báo: Doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với tình trạng thiếu tôm nguyên liệu đầu năm 2025; tiếp tục cạnh tranh về giá và nguồn cung tôm với Ecuador, Ấn Độ; xuất khẩu sang Mỹ bị ảnh hưởng bởi 2 vụ kiện chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD); thị trường Trung Quốc nhu cầu phục hồi mạnh hơn; kỳ vọng nhiều hơn thị trường tiềm năng như Australia, Trung Đông, Anh, Hàn Quốc… Một số chuyên gia cũng nhận định, chính sách thuế của Mỹ đối với một số nước như Ecuador và Trung Quốc có thể là cơ hội xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường Mỹ nếu biết tận dụng cơ hội và giải pháp phù hợp.
Để đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2025, VASEP kiến nghị: Cần có các chính sách hỗ trợ hiệu quả, thiết thực cho doanh nghiệp, người nuôi như tạo điều kiện về vốn, giải quyết bất cập liên quan đến chi phí tuân thủ quy định và thủ tục hành chính. Có biện pháp bình ổn các chi phí đầu vào cho sản xuất như giá thức ăn tôm, tăng cường kiểm soát chất lượng con giống. Đẩy mạnh mã số vùng nuôi phục vụ cho truy xuất nguồn gốc; có chính sách đầu tư, khuyến khích nuôi ngoài tôm chân trắng và cần giữ thế mạnh nuôi tôm sú.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các địa phương cần tính toán, có giải pháp tổng thể phát triển ngành tôm, những nơi còn dư địa thì cần phát triển vùng nuôi hợp lý; chủ động nguồn nguyên liệu; có biện pháp kiểm soát môi trường và dịch bệnh, quản lý con giống chặt chẽ, sản phẩm phải an toàn từ ao nuôi đến bàn ăn, cần có cơ chế đặc thù đối với ngành tôm.