Chiều 16-6, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao, đã diễn ra hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới hơn 800 điểm cầu tòa án nhân dân các cấp trong cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số dự và chỉ đạo hội nghị.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm và xác định rõ chuyển đổi số là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là xu thế tất yếu và là yêu cầu khách quan trong công cuộc phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chuyển đổi số là công việc vừa mang tính chiến lược lâu dài, vừa phải thường xuyên theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và triển khai quyết liệt, hiệu quả, thực chất.
Thủ tướng cho rằng, Đề án 06 là một nhiệm vụ then chốt, quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, làm cơ sở để chuyển đổi cách sống, làm việc và phương thức sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp dựa trên công nghệ số.
Đến nay, có 81,7% hộ gia đình sử dụng cáp quang internet băng rộng, 100% xã, phường, thị trấn kết nối internet cáp quang; 82,9% thuê bao di động đã sử dụng điện thoại thông minh. Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối, chia sẻ với 18 bộ, cơ quan và 63 địa phương; đã đơn giản hóa 763/1.084 (trên 70%) thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư; cung cấp hơn 4,5 nghìn dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Cũng theo Thủ tướng, hiện có 77% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và trên 1 triệu đối tượng chính sách đã nhận trợ cấp an sinh xã hội qua tài khoản. Đề án 06 đã cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu, tiết kiệm cho nhà nước, xã hội gần 3.500 tỷ đồng/năm; triển khai thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp điện từ tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế. Đến nay, 100% học sinh nộp hồ sơ và xét điểm ưu tiên thông qua dữ liệu dân cư; 100% các cơ sở khám chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt…
Tại hội nghị, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ một số khó khăn, thách thức trong chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số ngành tòa án nhân dân nói riêng như công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế phục vụ chuyển đổi số còn chậm như cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính chưa đáp ứng nhu cầu; chất lượng cung cấp dịch vụ tư pháp công trực tuyến chưa cao; hạ tầng số chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển…
Theo Thủ tướng, thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành tòa án là rất quan trọng, rất vẻ vang nhưng cũng rất nặng nề. Thủ tướng yêu cầu ngành tòa án tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, coi đây là một trong những công cụ quan trọng nhất, hỗ trợ đắc lực nhất, hiệu quả nhất trong tất cả các mặt công tác của ngành tòa án nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành tòa án tiếp tục phát huy mạnh mẽ chuyển đổi số, xây dựng tòa án điện tử với tinh thần “5 đẩy mạnh”, đó là: đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách trong chuyển đổi số, xây dựng tòa án điện tử; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nền tảng số; đẩy mạnh tạo lập dữ liệu số, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ liên tục, thông suốt, đồng bộ; đẩy mạnh phát triển nhân lực số, kỹ năng số và bồi dưỡng nghiệp vụ; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong ngành tòa án nhân dân để mọi cán bộ, công chức, thẩm phán đồng lòng hưởng ứng tham gia tiến trình chuyển đổi số và xây dựng tòa án điện tử.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành tòa án nhân dân, sớm trình Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Bộ Luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi), tạo tiền đề cho các hoạt động tố tụng trực tuyến… Cùng với đó là việc đổi mới mô hình hoạt động sang quản lý trên nền tảng số; tăng cường công khai, minh bạch các hoạt động của tòa án; nâng cao năng lực quản trị, thực thi tòa án trên nền tảng số; phấn đấu 100% các lĩnh vực công tác của tòa án nhân dân được chuyển đổi, quản trị thống nhất trên nền tảng số.
Thủ tướng cũng đề nghị đẩy mạnh khai thác, sử dụng, phát triển nền tảng xét xử trực tuyến, hướng tới 100% tòa án nhân dân đủ điều kiện về trang thiết bị, nhân lực tổ chức xét xử trực tuyến; sớm nghiên cứu đề xuất hoàn thiện nền tảng pháp lý về tố tụng điện tử; đẩy mạnh đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ tư pháp công trực tuyến.
Theo Tòa án nhân dân tối cao, trong thời gian qua, ngành tòa án đã triển khai nhiều dịch vụ tư pháp công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia, với hơn 1,4 triệu bản án, quyết định được công bố và phục vụ hơn 180 triệu lượt truy cập tra cứu, khai thác.
Từ đầu năm 2022 đến nay, tòa án nhân dân các cấp đã phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức xét xử trực tuyến được gần 20.000 vụ án, tiết kiệm khoảng 100 tỷ đồng. Ngành tòa án bước đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo và xây dựng trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán; đã tích hợp trên 168.000 văn bản, trên 1,4 triệu bản án, trên 24.000 câu giải đáp tình hình pháp lý. Đến nay đã có trên 5,7 triệu lượt hỏi đáp, trung bình 10.000-15.000 lượt/ngày.