Dồi dào hàng hóa cho 2 tháng tết
Năm 2020, dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng không ít đến thu nhập của người dân, song tết cổ truyền là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của người Việt Nam, nên DN sản xuất lương thực thực phẩm và bán lẻ TPHCM vẫn chuẩn bị những sản phẩm phục vụ tết từ sớm. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho biết, hiện tại, công tác chuẩn bị các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ tết đã hoàn tất. Theo đó, các DN đã chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng tết, tổng vốn ngân sách gần 20.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng tháng cao điểm phục vụ tết, giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị hơn 10.000 tỷ đồng (hàng bình ổn thị trường hơn 4.000 tỷ đồng).
Theo bà Kim Chi, lượng hàng chuẩn bị năm nay của các DN tăng từ 4,4% - 17,3% so với kế hoạch thành phố giao và tăng 12% - 21,2% so với Tết 2020. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị với số lượng lớn, chi phối từ 22% - 54,5% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm gần 7.500 tấn, trứng gia cầm gần 68 triệu quả, thực phẩm chế biến hơn 1.050 tấn, thịt gia súc gần 5.600 tấn, dầu ăn gần 1.700 tấn, gạo gần 4.000 tấn...
Ở lĩnh vực sản xuất, Công ty Bibica dự kiến đưa ra thị trường 3.000 tấn bánh kẹo với trên 80 chủng loại ở nhiều phân khúc khác nhau, tăng 20% so với Tết 2020; Công ty Tân Quang Minh (Bidrico) từ tháng 11 đã cho ra thị trường nhiều sản phẩm nước uống với số lượng tăng 5%; Công ty APT tung ra hơn 100 mặt hàng tươi sống và chế biến, sản lượng tăng 10%-15%;... Còn ở lĩnh vực bán lẻ, các DN đã tăng cường nguồn hàng dự trữ trên toàn hệ thống; đồng thời có phương án vận chuyển hàng hóa về những vùng thực hiện cách ly.
Điển hình là nhà bán lẻ Saigon Co.op đã dành 5.000 tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa mùa tết. Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết, dự kiến trữ lượng hàng hóa, bao gồm hàng bình ổn giá, tùy ngành hàng sẽ tăng từ 15% - 30% so với năm trước. Số hàng hóa trên sẽ đảm bảo đủ hàng bình ổn trong 3 tháng trước, trong và sau tết. Đồng thời, đơn vị tăng tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa 2-4 lần, cao điểm 2 tháng cận tết sẽ tăng tần suất lấy mẫu lên 8-10 lần so với quy chuẩn hiện nay. “Nhìn chung, các DN luôn chủ động được nguồn cung và nguồn dự trữ thực phẩm. Do đó, luôn đảm bảo nhu cầu tiêu dùng thiết yếu cho người dân, nhất là trong dịp lễ tết, tạo niềm tin và sự an tâm, ổn định trong cộng đồng xã hội”- bà Chi đánh giá.
Chủ động giảm giá tết sớm
Dù ảnh hưởng dịch bệnh, song sức tiêu thụ mùa tết sắp tới không vì thế mà sụt giảm nhiều nên Saigon Co.op cho biết, sẽ sớm đồng loạt áp dụng giảm giá hàng tết. Việc này nhằm giúp người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm và không bị dồn áp lực mua sắm về những ngày cuối năm. Đợt giảm giá hàng tết đầu tiên sẽ áp dụng từ nay đến hết ngày 30-12-2020.
Các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile của Saigon Co.op sẽ rầm rộ giảm giá hàng ngàn sản phẩm dầu ăn, các loại gia vị (tương ớt, nước mắm, nước tương), bột ngọt, lạp xưởng, các loại bánh kẹo, nước ngọt, sữa… Đặc biệt, các ngày cuối tuần từ thứ 5 đến chủ nhật đều có chương trình giảm giá sốc, siêu ưu đãi, giảm giá tận gốc, mua nhiều ưu đãi lớn khiến các mặt hàng này giảm giá sâu, giúp người dân mua sắm tiết kiệm hơn 50% chi tiêu thông thường và hàng hóa rất phong phú để lựa chọn. Các hoạt động khuyến mãi như tặng quà, tặng điểm thưởng, phiếu quà tặng… cũng sẽ được tổ chức liên tục.
Tương tự, đại diện VinMart và VinMart+ cũng cho biết, hệ thống này sẽ thực hiện xuyên suốt giảm giá hàng tết từ tháng 12-2020 đến tháng 2-2021. Các hình thức khuyến mãi chủ yếu là các gói kích cầu mua sắm với hàng hóa thiết yếu Tết giảm giá tới 50%; phát triển dịch vụ giao hàng tận nhà, đa dạng kênh bán hàng.
Với nhiều người tiêu dùng, việc giảm giá hàng tết sớm giúp họ có có kế hoạch chi tiêu hợp lý và tiết kiệm hơn. Qua đó giảm bớt áp lực phải chi tiêu quá nhiều như trước đây. “Ngay khi thấy siêu thị Co.opmart giảm giá nhiều mặt hàng tôi đã tranh thủ mua sắm và tiết kiệm được tới 40% so với thông thường. Tôi cho rằng các nhà bán lẻ đã rất nỗ lực trong việc đồng hành, chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng”, chị Nguyễn Ngọc Lan (ngụ quận Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ.
Theo Sở Công thương TPHCM, thành phố hiện có 10.983 điểm bán hàng bình ổn. Riêng chương trình lương thực thực phẩm có 4.209 điểm bán, gồm 112 siêu thị - trung tâm thương mại, 554 cửa hàng tiện lợi, 938 điểm bán trong 122 chợ truyền thống, 2.605 điểm bán trong khu dân cư. Với việc chuẩn bị sẵn sàng của DN cùng hệ thống điểm bán hàng bình ổn rộng khắp, người tiêu dùng thành phố hoàn toàn yên tâm mua sắm hàng tết và không lo tăng giá. |