Nuôi dưỡng một hành tinh 7,7 tỷ người không phải là vấn đề dễ dàng. Mọi người trên hành tinh đều cần, mong đợi và có quyền về chế độ ăn uống lành mạnh. Hiện thế giới có hơn 820 triệu người bị đói. Khoảng 2 tỷ người khác bị thiếu hụt vi chất dinh dưỡng; khoảng 650 triệu người trưởng thành bị béo phì, một bệnh gây ra do các thực phẩm chế biến nhiều đường, chất béo bão hòa và các chất phụ gia hóa học khác.
Vì vậy, tất cả các công ty trong lĩnh vực thực phẩm, cả nhà sản xuất và nhà phân phối, nên áp dụng các tiêu chuẩn phù hợp với các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc (LHQ) và Thỏa thuận khí hậu Paris. Hơn thế nữa, ngày nay các tập quán cũ trong lĩnh vực nuôi trồng là nguyên nhân chính của nạn phá rừng, ô nhiễm nước ngọt, xói mòn đất và sự sụp đổ của đa dạng sinh học. Sự biến đổi khí hậu cũng một phần do ngành thực phẩm gây ra. Với sự ấm lên toàn cầu và gia tăng dân số, cuộc khủng hoảng sẽ trở nên tồi tệ hơn trừ khi những thay đổi mang tính quyết định được thực hiện.
May mắn thay, một số lượng lớn các công ty thực phẩm hiểu được thách thức và muốn tạo ra một hướng đi mới phù hợp với sức khỏe của con người và sự sống còn của hành tinh. Trong năm 2015, tất cả 193 thành viên của LHQ đã nhất trí với 2 thỏa thuận quan trọng.
Chương trình đầu tiên, được gọi là Chương trình nghị sự 2030, thông qua 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) như một lộ trình cho sự an toàn của con người và an toàn hành tinh.
Thứ hai, Thỏa thuận khí hậu Paris, cam kết với các chính phủ thế giới về hành động quyết định để giữ cho trái đất nóng lên dưới 1,5°C. Cả SDG và Thỏa thuận khí hậu Paris đều yêu cầu những thay đổi quyết định trong thực tiễn của ngành công nghiệp thực phẩm.
LHQ kêu gọi tất cả các công ty trong lĩnh vực thực phẩm, áp dụng các tiêu chuẩn rõ ràng để phù hợp với các mục tiêu toàn cầu. Cụ thể, mỗi công ty phải giải quyết 4 câu hỏi quan trọng.
Thứ nhất, các sản phẩm và chiến lược của công ty có đóng góp cho chế độ ăn uống lành mạnh và bền vững không? Chúng ta biết rằng văn hóa thức ăn nhanh cực kỳ có hại. Ngành công nghiệp phải thay đổi khẩn trương để thúc đẩy chế độ ăn uống lành mạnh.
Thứ hai, các công ty sản xuất có bền vững không? Quá nhiều công ty đang gây ô nhiễm hóa học, chất thải lớn từ bao bì, phá rừng, sử dụng phân bón quá mức và gây nhiều tác hại môi trường khác.
Thứ ba, các công ty phân phối thực phẩm có bền vững không? Họ có mạnh dạn loại trừ các sản phẩm từ các trang trại góp phần vào nạn phá rừng hay các tác hại môi trường khác hay không.
Cuối cùng, nên tránh các hành vi khai thác các lỗ hổng pháp lý hoặc các quy trình quản trị yếu kém để tung ra các sản phẩm không phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững.