Theo ông Ramesh Anand, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM), với dân số trên 95 triệu người, nhu cầu tiêu dùng tại Việt Nam ngày càng tăng đối với ngành thực phẩm - đồ uống, tạo ra một thị trường rộng lớn.
Thêm vào đó, Chính phủ Việt Nam đã áp dụng nhiều chính sách khác nhau để phát triển ngành thực phẩm - đồ uống bằng cách cải thiện môi trường kinh doanh cho các nhà sản xuất, cải cách hành chính công, cung cấp các khoản vay mềm và các chương trình kích cầu. Trên thực tế, nguồn vốn FDI của Ấn Độ vào Việt Nam đã tăng đáng kể trong nhiều năm nay.
Đến thời điểm 20-6-2019, các công ty Ấn Độ đã đầu tư vào 254 dự án tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư khoảng 928 triệu USD. Tại TPHCM, Ấn Độ hiện đang có 118 dự án đã được cấp phép đầu tư và còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư hơn 73 triệu USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực khoa học - công nghệ; công nghiệp ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến chế tạo; thông tin truyền thông. Đặc biệt, các hiệp định thương mại tự do gần đây như CPTPP và EVFTA sẽ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho các sản phẩm thực phẩm và đồ uống chế biến của Việt Nam. Đây cũng là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp Ấn Độ tới Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh.