Khó khăn tứ bề
Giai đoạn từ năm 2014 đến giữa năm 2018 có thể coi là thời kỳ hoàng kim của ngành thép khi tăng trưởng bình quân ngành đạt mức xấp xỉ 20%/năm. Ở thời điểm này, ngành thép tăng trưởng nhanh chóng là nhờ hưởng lợi kép từ sự bùng nổ của thị trường bất động sản và chính sách bảo hộ trong nước. Tuy nhiên, từ đầu quý 3-2018 đến nay và dự báo cho cả năm 2019, ngành thép sẽ ảm đạm khi thị trường trong nước gặp khó khăn do thừa công suất, “dội” nguồn cung, còn xuất khẩu vấp phải những rào cản do bảo hộ thương mại.
“Từ giữa năm 2018 đến nay, thị trường thép gặp rất nhiều khó khăn. Giá thép trên thị trường thế giới có nhiều biến động khó lường, giá các mặt hàng nguyên liệu như quặng sắt, than coke… liên tục lên xuống khó dự đoán và ở mức cao; giá hầu hết các mặt hàng bắt đầu đi xuống, tác động khá lớn đến thị trường trong nước”, đại diện Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) cho biết.
Lý do quan trọng nữa dẫn đến tình trạng thừa cung đến từ thị trường xuất khẩu. Bởi hiện nay, khoảng 40% thép cuộn Việt Nam được xuất ra nước ngoài. Nhưng năm 2018 là năm chủ nghĩa bảo hộ dâng cao khi các quốc gia (bao gồm Mỹ, Thái Lan và Malaysia - thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam) sử dụng nhiều rào cản thương mại như thuế đối với các sản phẩm thép để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.
Từ đó dẫn đến việc xuất khẩu thép cuộn đã bị thiệt hại nặng nề, đưa đến áp lực cao đối với các nhà sản xuất trong nước. Cụ thể, trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng của ngành và xuất khẩu lần lượt là 9% và 9,6%, khoảng 1/3 so với mức 28% và 26% vào năm 2017.
Kích cầu trong nước, xuất khẩu hợp lý
Thời gian gần đây, xu hướng các nước trên thế giới gia tăng các biện pháp bảo hộ ngành sản xuất trong nước và nguy cơ xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn đang đe dọa đến nhiều ngành sản xuất, trong đó ngành sản xuất thép và mặt hàng thép là một trong những ngành bị tác động mạnh nhất.
Theo Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Nguyễn Phương Nam, trên thế giới có hơn 1.500 vụ việc phòng vệ thương mại, trong đó ngành thép chiếm hơn 30%. Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, trên thế giới, thép thường xuyên là đối tượng của các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với mức thuế suất áp dụng rất cao. Trong bối cảnh đó, xuất khẩu thép của Việt Nam đứng trước những thách thức lớn khi các nước nhập khẩu liên tục điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép Việt Nam.
Đơn cử như thị trường Mỹ, thép lá cán nguội (CRC) Việt Nam chịu mức thuế chống bán phá giá lên tới gần 200%, cùng với đó là các loại thuế khác lên tới khoảng 250%. Cũng loại sản phẩm này, Canada đánh thuế chống bán phá giá gần 100%, thuế khác là 6,5%. EU thì quy định sẽ đánh thuế 25% nếu lượng nhập khẩu vượt quá 3% hạn ngạch.
“Hiệp hội Thép Việt Nam sẽ thực hiện tuyên truyền, tổ chức những hội thảo để phổ biến các kiến thức hội nhập cho DN. Chúng tôi cũng khuyến nghị các DN khi xuất khẩu phải nghiên cứu, bố trí thị trường xuất khẩu hợp lý, tránh tập trung chủ yếu vào một vài thị trường gây ra tình trạng xuất khẩu tăng đột biến, tạo cớ cho các nước nhập khẩu tiến hành khởi xướng điều tra”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Văn Sưa đề nghị. |
Thị trường xuất khẩu bị tắc, trong khi nhu cầu trong nước không thể hấp thụ hết đã gây áp lực lớn lên giá bán và sản lượng thép. Để giải quyết những khó khăn hiện tại của ngành thép, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị Chính phủ cần có chính sách, giải pháp để kiểm soát và ngăn chặn việc nhập khẩu tràn lan các mặt hàng thép trong nước đã sản xuất được, đặc biệt ngăn chặn sự nhập khẩu ồ ạt thép giá rẻ từ Trung Quốc, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục thực hiện biện pháp phù hợp để kích cầu và hỗ trợ DN phát triển thị trường. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, tập trung các công trình trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận tín dụng, kích cầu thị trường bất động sản.