Khó khăn vẫn bủa vây
Bộ Công thương dự báo, ngành thép năm 2018 sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với mức tăng khoảng 20% so với năm 2017. Trong đó, sản xuất thép xây dựng tăng trưởng 10%, thép lá cuộn cán nguội tăng 5%, thép ống hàn tăng 15% và sản xuất tôn mạ, sơn phủ màu tăng 12%; đặc biệt, sản xuất thép cuộn cán nóng tăng mạnh nhất với 154% so với năm ngoái. Đồng thời, đã chủ động được nguồn nguyên liệu tôn cuộn cán nóng để sản xuất tôn mạ và thép cuộn cán nguội thay vì phải hoàn toàn nhập khẩu như trước kia.
“Có được sự tăng trưởng tốt trong ngành thép thời gian qua, chủ yếu do nền kinh tế trong nước duy trì ổn định. Nhiều dự án hạ tầng, xây dựng, bất động sản được triển khai trong năm 2018. Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ chú trọng triển khai ngay từ những tháng đầu năm, tạo tiền đề tốt cho tăng trưởng của ngành”, đại diện Bộ Công thương đánh giá.
Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho thấy, trong 11 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp hội viên đã sản xuất được hơn 22 triệu tấn sắt thép các loại, tăng trên 16% so với cùng kỳ năm 2017. Các doanh nghiệp đã bán ra được hơn 20 triệu tấn sản phẩm và tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước và xuất khẩu đạt hơn 4,34 triệu tấn, tăng 29,1%. Mặc dù có sự tăng trưởng khá tốt nhưng trên thực tế, ngành thép đang tiếp tục phải cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam.
Đồng thời, còn đối mặt với nhiều vụ điều tra bán phá giá từ các nước nhập khẩu khiến xuất khẩu thép gặp nhiều khó khăn. Trong đó, các thị trường quen thuộc trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia cũng đã khởi xướng các vụ kiện điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sắt thép có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Đây là thực trạng đáng lo ngại. Trong khi đó, Trung Quốc được xem là đối thủ cạnh tranh lớn khi đẩy mạnh xuất khẩu thép sang các nước với nguồn cung sản xuất vượt xa nhu cầu.
Đáng chú ý, nước này từ đầu tháng 11 vừa qua cũng đã tăng mức hoàn thuế xuất khẩu đối với một số sản phẩm thép từ 13% lên 16%. Điều này có nghĩa hoạt động xuất khẩu được thúc đẩy mạnh hơn. “Sự gia tăng xuất khẩu của một số nước, trong đó có Trung Quốc, sẽ tạo ra sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Song song với tình trạng hàng gian lận thương mại thì doanh nghiệp ngành thép trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới”, Giam đốc Công ty TNHH SX-TM-XNK Hoàng Sơn (quận Bình Tân, TPHCM), Trần Hoàng Sơn nhận định.
Tự chủ nguyên liệu, tránh bị lợi dụng
Các chuyên gia đưa ra cảnh báo nguy cơ sản phẩm thép Trung Quốc thừa nguồn cung trong nước và giá thấp sẽ chuyển vào Việt Nam trong thời gian tới. Bởi đây là quốc gia xuất khẩu thép lớn nhất thế giới nhưng đầu ra đang bị dư thừa và nghẽn lại dưới các chính sách bảo hộ của thương mại Mỹ, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia... Điều này đồng nghĩa một lượng thép dư thừa (dự đoán tình hình dư thừa này có thể tiếp tục trong 3 năm tới) của Trung Quốc đã và sẽ tràn vào Việt Nam, gây mất cân đối cung cầu. Riêng hiện tượng sản phẩm tìm đường vào Việt Nam để “lách” xuất xứ nhằm lẩn tránh thuế chống bán phá giá ở nhiều nước, đã được cảnh báo nhiều lần.
Thậm chí cuối năm 2017, Mỹ đã công bố áp thuế với một số sản phẩm từ Việt Nam vì cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc, do đó Việt Nam cần xử phạt thật nặng nếu phát hiện các trường hợp này.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Văn Sưa nhận định, thép Việt là một trong những ngành chịu nhiều áp lực nhất từ phòng vệ thương mại. Thời gian qua, thép Việt phải chịu đến hàng chục vụ kiện phòng vệ. Bên cạnh đó, gặp thêm tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nên sẽ còn rất khó khăn cho doanh nghiệp thép trong nước. Thép Trung Quốc có khả năng sẽ tìm cách đẩy mạnh vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Vì vậy, đòi hỏi sự nỗ lực của doanh nghiệp Việt Nam để nâng cao chất lượng sản phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nhằm tạo thuận lợi trong xuất khẩu sang thị trường khác, tránh việc bị áp thuế không đáng có.
Ngoài ra, cơ quan chức năng nhà nước cũng cần có những chính sách, biện pháp để kiểm soát chặt chẽ nguồn thép nhập khẩu, bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, tránh việc sản phẩm thép từ Trung Quốc thâm nhập vào Việt Nam để lẩn tránh thuế xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Xuất phát từ những khó khăn mà ngành thép Việt đã và đang phải đối mặt, điển hình là qua các vụ kiện phòng vệ thương mại, theo Bộ Công thương, thời gian tới sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ việc điều tra. Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng khuyến cáo doanh nghiệp ngành thép cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất ngay trong nước, nỗ lực khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất để loại trừ dần nguồn gốc xuất xứ từ các nước nhằm giảm đến mức thấp nhất việc các nước cho rằng Việt Nam lẩn tránh thuế. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần cảnh giác với việc hàng Trung Quốc núp bóng, lấy thị trường Việt Nam làm chỗ “né” xuất xứ rồi xuất khẩu sang Mỹ.