Nguồn cung tăng mạnh
Theo Bộ Công thương, kết thúc năm 2018, ngành thép tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với mức khoảng 20% so với năm 2017. Trong đó, sản xuất thép xây dựng tăng trưởng 10%, thép lá cuộn cán nguội tăng 5%, thép ống hàn tăng 15%, sản xuất tôn mạ và sơn phủ màu tăng 12%. Đặc biệt, sản xuất thép cuộn cán nóng tăng mạnh nhất 154% so với năm ngoái nhờ một số nhà máy có năng lực lớn đi vận hành với công suất 3,5 triệu tấn/năm. Từ nguồn cung này đã giúp thị trường thép trong nước chủ động được nguồn nguyên liệu tôn cuộn cán nóng để sản xuất tôn mạ và thép cuộn cán nguội thay vì phải hoàn toàn nhập khẩu như trước kia. “Trước đây, 100% thép cuộn cán nóng dùng để sản xuất tôn mạ và thép cuộn cán nguội của Việt Nam phải nhập khẩu từ nhiều nước trong đó có cả Trung Quốc. Tuy nhiên từ tháng 6-2017, chúng ta đã sản xuất được nguồn nguyên liệu này. Nếu sản lượng tôn cuộn cán nóng năm ngoái chỉ đạt 1,4 triệu tấn, thì trong cả năm nay đạt khoảng 4 triệu tấn”, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho hay.
Đặc biệt trong năm qua, ngành thép đánh dấu sự tăng trưởng ấn tượng của rất nhiều thương hiệu, trong đó đứng đầu về thị phần thép xây dựng là Tập đoàn Hòa Phát, tiếp đó là các đơn vị như: Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL), Pomina, Posco SS và Vinakyoei. Dẫn chứng từ Tập đoàn Hòa Phát cho thấy, cả năm 2018 đạt con số khoảng 2,3 triệu tấn. Bên cạnh đó, Hòa Phát cũng đang tập trung tiến độ hoàn thiện Khu liên hợp Sản xuất gang thép tại Dung Quất nhằm đạt tổng công suất 4 triệu tấn thép xây dựng vào năm 2019 và 5 triệu tấn thép xây dựng từ năm 2020. Sau khi dự án hoạt động ổn định, thị phần thép xây dựng Hòa Phát dự kiến sẽ chiếm ít nhất 30% toàn thị trường. Hay như VNSTEEL, hầu hết đơn vị thành viên hoạt động sản xuất kinh doanh đề đạt các mục tiêu đề ra. Trong đó, nổi bật là sự đóng góp của thép V tăng 12% so với cùng kỳ và hoàn thành 113% kế hoạch năm 2018.
Trên thực tế, thời gian qua, ngành thép tiếp tục phải cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam, đồng thời phải đối mặt với nhiều vụ điều tra bán phá giá từ các nước nhập khẩu khiến xuất khẩu thép gặp nhiều khó khăn. Trong đó, các thị trường quen thuộc trong ASEAN như Thái Lan, Malaysia cũng đã khởi xướng các vụ kiện điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sắt thép có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Đây là thực trạng đáng lo ngại. “Tuy nhiên, có được sự tăng trưởng tốt trong ngành thép thời gian qua là nhờ yếu tố kinh tế trong nước duy trì ổn định. Nhiều dự án hạ tầng, xây dựng, bất động sản được triển khai trong năm 2018. Đặc biệt, giải ngân vốn đầu tư công đã được Chính phủ chú trọng, triển khai ngay từ những tháng đầu năm, tạo tiền đề tốt trong tăng trưởng của ngành”, đại diện Bộ Công thương đánh giá.
Nỗ lực khép kín khâu sản xuất
Ghi nhận tại các công xưởng sản xuất thép cho thấy, thời gian qua, các doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư công nghệ, sản xuất các sản phẩm chủ lực nhằm xác lập vị thế trên thị trường. Đơn cử, Công ty Thép Miền Nam với thương hiệu thép V chiếm thị phần cao trên thị trường thép. Thép Việt Trung đã nỗ lực hết mình để sản xuất kinh doanh, từng bước thoát lỗ, có lãi, tạo dư địa để đề xuất cho ra khỏi 12 dự án yếu kém ngành Công thương… Dù đã chủ động đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn lo lắng do cung -cầu và biến động của thị trường. “Năm 2019 sẽ còn rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp thép như giá thép xây dựng trong nước diễn biến phức tạp và sự gia tăng sản lượng của các nhà sản xuất thép trong nước đang và sẽ ngày càng làm thay đổi cơ bản cán cân cung cầu thị trường so với trước. Bên cạnh đó, chính sách tăng thuế nhập khẩu của Mỹ và các nước châu Âu làm cho thị trường thép Việt Nam khó khăn hơn do xuất khẩu bị đình trệ, ứ đọng hàng trong nước”, Tổng Giám đốc VNSTEEL lo ngại. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Sưa đánh giá, trở ngại của ngành thép Việt Nam là vẫn còn đang lệ thuộc nhiều vào nhập khẩu do quy trình sản xuất trong nước chưa đồng bộ, năng lực sản xuất thép cơ khí chế tạo gần như chưa có; nhiều sản phẩm nguyên vật liệu đầu vào vẫn chưa tự sản xuất được, phải nhập khẩu, làm chậm quá trình sản xuất cũng như tăng gánh nặng chi phí. Do đó, những năm gần đây, thép Việt dù tăng trưởng nhanh nhưng vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ để tham gia sân chơi toàn cầu, cạnh tranh với thép ngoại và vẫn chủ yếu dựa vào yếu tố giá thành sản xuất.
Phát biểu trong buổi tổng kết ngành thép mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, cùng với sự thay đổi của nền kinh tế trong và ngoài nước, chính sách phòng vệ thương mại vừa là thách thức vừa là cơ hội để doanh nghiệp ngành thép phát triển, vươn lên mạnh mẽ bằng việc tập trung công nghệ sản xuất, nguồn nguyên liệu, tiết kiệm chi phí, giá thành… Riêng đối với các vụ kiện phòng vệ thương mại mà ngành thép Việt đã và đang phải đối mặt, Bộ Công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ việc điều tra. Tuy nhiên, Bộ Công thương khuyến cáo doanh nghiệp ngành thép cần nâng cao năng lực cạnh tranh, cần tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất ngay trong nước; nỗ lực khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất để loại trừ dần nguồn gốc xuất xứ từ các nước nhằm giảm đến mức thấp nhất việc các nước cho rằng Việt Nam lẩn tránh thuế .