Kích hoạt hiệu quả nguồn lực đất đai
Chia sẻ về những kết quả đã đạt được, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, từ khi thành lập năm 2003 đến nay, trong lĩnh vực đất đai, sở đã thực hiện thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất 2.670 dự án, với tổng diện tích 17.000ha; cấp hơn 1,5 triệu GCN lần đầu cho tổ chức và hơn 1,5 triệu GCN cho cá nhân, lần lượt đạt tỷ lệ 92,47% và đạt 99,07%. Ngoài ra, sở triển khai thực hiện đăng ký biến động nhà đất, cấp gần 150.000 GCN.
Thực tế cho thấy, việc chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất đai đúng hướng đã thực sự trở thành nguồn lực tài chính quan trọng của thành phố. Chỉ tính trong giai đoạn 2014 -2020, nguồn thu từ đất đai của TPHCM đạt 234.316 tỷ đồng, gồm tiền sử dụng đất; tiền thuê đất; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; phí, lệ phí... Quan trọng hơn, nhiều dự án, công trình công cộng được thực hiện và hoàn thành đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Không dừng lại đó, với việc hình thành 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao, TPHCM trở thành một “cứ điểm” quan trọng, thu hút đầu tư hơn 500 doanh nghiệp nước ngoài sản xuất sản phẩm đầu cuối hàng đầu thế giới như Tập đoàn Intel, Samsung, Nidec Sankyo, Techtronic Industries (TTI)… Đại diện Công ty TNHH Sản xuất First Solar Việt Nam chia sẻ, năm 2018, công ty đã đầu tư 1,06 tỷ USD để xây dựng và vận hành nhà máy sản xuất tự động hóa tấm pin năng lượng mặt trời công nghệ màng mỏng với diện tích 44ha tại Khu công nghiệp Đông Nam, huyện Củ Chi. Công ty đang tích cực phát triển chuỗi cung ứng nội địa để mang lại lợi ích kinh tế cho TPHCM.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê TPHCM, tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào TPHCM 6 tháng đầu năm 2023 đạt 2,8 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ. Trước đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố luôn duy trì mức tăng trưởng dương trên 2 con số. Điều này cho thấy môi trường đầu tư tại TPHCM, trong đó chính sách về đất đai đã thông thoáng, hấp dẫn nhà đầu tư. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho biết, hiện nay toàn thành phố có khoảng 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động, riêng các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chế biến lương thực thực phẩm, công nghệ cao, dệt may… có số lượng doanh nghiệp dẫn đầu cả nước.
Xây dựng chuẩn “xanh” về môi trường
Đối với hoạt động quản lý, xử lý môi trường cũng được xem là bài toán khó, nan giải của TPHCM. Theo thống kê, TPHCM có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh, dân số gia tăng nhanh đã gây áp lực lớn cho công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Những năm gần đây, môi trường thành phố đối mặt với hàng loạt vấn đề như ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt, sản xuất; trung bình mỗi ngày thành phố tiếp nhận 9.000 tấn rác thải sinh hoạt, 3.000 tấn rác thải công nghiệp và xây dựng, hàng trăm tấn rác thải nguy hại…
Để giải quyết vấn đề môi trường, ngành TN-MT đã tham mưu UBND TPHCM triển khai nhiều nhiệm vụ, chương trình, dự án. Theo đánh giá, giai đoạn từ năm 2015 đến nay, công tác bảo vệ môi trường đi vào chiều sâu. Các hoạt động về ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm công nghiệp, trong đó, việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào khu công nghiệp tập trung được đẩy mạnh. Hầu hết các cơ sở sản xuất có lưu lượng nước thải từ 50m3 trở lên đã được kiểm soát. Riêng các cơ sở thương mại, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, các siêu thị, khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao đều có hệ thống xử lý nước thải. Không dừng lại đó, Sở TN-MT cũng đã tham mưu thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HĐND về công tác bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư và quản lý chất thải trên địa bàn thành phố và Chỉ thị số 19-CT/TU về thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”... góp phần lớn trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mang lại môi trường sống xanh, sạch cho người dân.
Bộ trưởng Bộ TN-MT ĐẶNG QUỐC KHÁNH: Đẩy mạnh đầu tư đốt rác phát điện
Chính sách điều hành quản lý lĩnh vực TN-MT của TPHCM có nhiều đột phá, sáng tạo. Từ đó đã góp phần tạo nên nguồn lực tài chính quan trọng, giúp thành phố bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước. Riêng những vướng mắc trong lĩnh vực đất đai và môi trường, Bộ TN-MT ghi nhận và xem xét đưa vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trong thời gian tới. Bên cạnh đó, TPHCM nên tập trung đẩy nhanh đầu tư cho hoạt động xử lý rác thải bằng công nghệ đốt phát điện; tăng tỷ lệ nước thải đô thị phải thu gom xử lý để giảm áp lực cho chất lượng môi trường thành phố.
Tính đến nay, Sở TN-MT TPHCM đã thẩm định, phê duyệt đánh giá tác động môi trường 1.820 hồ sơ; xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, cấp giấy phép môi trường (từ đầu năm 2022 đến nay) 336 hồ sơ. Công tác bảo vệ môi trường của thành phố đã ghi nhận những kết quả đáng khích lệ. “Tuy vậy, ngành TN-MT thành phố vẫn còn hạn chế, còn sự chậm trễ, chưa đáp ứng kịp thời, còn phàn nàn của người dân, doanh nghiệp… Để khắc phục những tồn tại này, thời gian tới, cán bộ, công chức ngành TN-MT thành phố sẽ không ngừng học tập nâng cao trình độ, trau dồi trí tuệ, đạo đức, không ngừng nỗ lực để chung tay, góp sức xây dựng thành phố trong sạch, đáp ứng quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, góp phần cho sự phát triển bền vững của thành phố”, ông Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ.