Thích ứng vượt bão
Còn nhớ hồi cuối năm 2019 (khi chưa xảy ra đại dịch Covid), các chuyên gia kinh tế đã từng đưa ra dự báo không mấy khả quan về tình hình của ngành sữa trong năm 2020. Theo chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán SSI, nhu cầu sữa ở thị trường thành thị dường như đã bão hòa, tiêu thụ ở thị trường nông thôn biến động lớn do tăng phụ thuộc vào giá mặt hàng nông nghiệp, tùy thu nhập và nhu cầu về sữa công thức tiêu chuẩn cũng như sữa đặc có thể tiếp tục ảm đạm trong năm 2020. Tuy nhiên, trái với những dự đoán này, kết thúc năm 2020, bất chấp khó khăn do Covid-19, ngành sữa Việt đã có những kết quả đáng ngạc nhiên khi đạt tổng doanh thu 113.715 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 5% so với 2019.
Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, mức tăng trưởng trên có được do nguồn cung nguyên liệu sữa trong nước đáp ứng cho sản xuất, nhu cầu tiêu thụ sữa từ người tiêu dùng nhằm tăng cường dinh dưỡng và miễn dịch được tăng lên, các DN duy trì được hệ thống phân phối truyền thống và kịp thời thúc đẩy nhanh kênh phân phối hiện đại.
Theo đó, sản phẩm sữa của DN được tiêu thụ ở tất cả các kênh phân phối từ truyền thống đến hiện đại và thậm chí là lên sàn thương mại điện tử. Ghi nhận tại các hệ thống siêu thị như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… dễ dàng nhận thấy, sản phẩm sữa nội phủ đầy các quầy kệ, từ sữa bột, sữa đặc cho tới sữa chua và các sản phẩm sữa dinh dưỡng khác.
Liên quan đến các sản phẩm sữa tăng dinh dưỡng, theo ước tính của Euromonitor, trong khi sữa đặc và sữa bột tiêu thụ chậm thì sữa uống đạt mức tăng 10%, sữa chua tăng 12%, phô mai tăng 11%, bơ tăng 10%... từ đó kéo tăng trưởng chung của toàn ngành khả quan trong năm 2020.
Nhiều triển vọng sắp tới
Hiệp hội Sữa Việt Nam dự báo, năm 2021 diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới còn phức tạp, ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, tuy nhiên với ngành sữa sẽ có cả những thuận lợi lẫn thách thức cần phải đối mặt.
Về thuận lợi, hiện sản xuất sữa nguyên liệu tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ trong nước nên đây vẫn là ngành có nhiều tiềm năng phát triển. Đó là chưa kể nhu cầu sử dụng sữa bình quân đầu người của Việt Nam vẫn thấp, chỉ đạt 26 - 28 lít/người/năm, trong khi mức bình quân của thế giới cao hơn. Thêm vào đó, Chính phủ đang xem xét tiếp tục phê duyệt Chương trình Sữa học đường giai đoạn 2021-2025, được cho là sẽ tạo động lực thúc đẩy tiêu thụ sữa ở mức cao hơn.
Cũng theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, tiêu thụ sữa sẽ tiếp tục tăng trong vài năm tới do nhu cầu tăng cường về dinh dưỡng và miễn dịch của người dân và sự phát triển của các chuỗi bán hàng hiện đại. Nhu cầu đối với các sản phẩm sữa có giá trị cao được dự báo sẽ tăng mạnh do dân số trẻ và số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu ở các đô thị tăng. Những đối tượng khách hàng này thường có nhu cầu trải nghiệm những sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm hữu cơ, xu hướng sử dụng sản phẩm sữa hạt… Đây sẽ là nhân tố chính giúp ngành sữa tăng trưởng khoảng 7% năm 2021 theo dự báo của SSI.
Song hành cùng thuận lợi, Hiệp hội Sữa Việt Nam cũng nhìn nhận thách thức mà DN sẽ phải đối mặt. Đó là áp lực cạnh tranh từ chính các hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…
Bộ Công thương cho biết, theo cam kết của các FTA này, thuế nhập khẩu sữa từ các quốc gia trong khu vực FTA vào Việt Nam giảm về 0% trong 3 năm tới, dẫn tới các sản phẩm sữa nhập khẩu sẽ cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm sữa trong nước về giá. Điều này, một mặt sẽ tạo nên sức cạnh tranh với các DN sữa trong nước, mặt khác tạo động lực để các DN nội địa cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất nhằm đưa ra sản phẩm chất lượng cao hơn, giá cả hợp lý để đủ sức cạnh tranh.
Thực tế, để thích ứng hội nhập, theo Hiệp hội Sữa Việt Nam, cuối năm 2019 và đầu 2020, một số DN ngành sữa Việt Nam đã có sự thay đổi cấu trúc như Vinamilk mua lại Mộc Châu Milk; Blue Point và Chứng khoán Bản Việt (VCSC) mua lại Sữa Quốc tế (IDP)… Cùng với đó, nhiều DN trong ngành không ngừng đầu tư, hoàn thiện trang trại, dây chuyền sản xuất và hệ thống phân phối hiện đại ứng dụng công nghệ 4.0; tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, đưa ra thị trường nhiều loại sản phẩm mới (như sản phẩm sữa tươi chứa tổ yến của Vinamilk, sữa NutiMilk của NutiFood, sản phẩm ColosIgG 24h của Vitadairy…).
Đáng chú ý, nhận thức được tầm quan trọng của vùng nguyên liệu sữa tươi, nhiều DN đã chủ động xây dựng và hoàn thiện trang trại nuôi bò sữa; duy trì và phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ có liên kết sản xuất với hộ chăn nuôi bò để đảm bảo an ninh sữa nguyên liệu, tạo việc làm, giảm phụ thuộc nhập khẩu sữa, sản phẩm sữa.
Cụ thể, Công ty Vinamilk đã và đang triển khai nhiều kế hoạch nhằm mở rộng quy mô của hệ thống trang trại bò sữa như sẽ nâng quy mô đàn bò lên 100.000 con; Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood đã đưa vào hoạt động trang trại bò sữa NutiMilk rộng hơn 1.000ha nằm trên cao nguyên Gia Lai, tổng đàn 7.000 con, hiện cho sản lượng 75-95 tấn sữa/ngày; Tập đoàn TH True milk đã triển khai Dự án bò sữa ở Phú Yên…
“Nhìn chung, các trang trại bò sữa của DN đã được các tổ chức quốc tế cấp các chứng nhận hệ thống trang trại đạt chuẩn GlobalGAP, VietGAP, trang trại hữu cơ nhằm đảm bảo thực phẩm đạt đủ tiêu chuẩn về sản phẩm an toàn và chất lượng quốc tế cho người sử dụng”, đại diện Hiệp hội Sữa Việt Nam đánh giá.