Chiều 22-8, tiếp tục có nhiều trường đại học (ĐH) công bố điểm chuẩn xét tuyển.
Theo ghi nhận bước đầu, điểm chuẩn năm nay cơ bản ổn định như năm trước, không có nhiều biến động. Trong số các trường ĐH tốp trên, điểm chuẩn vào ĐH Bách khoa Hà Nội đang có mức điểm cao nhất, với ngành Khoa học máy tính (IT1) lấy 29,42 điểm, công thức tính điểm riêng của ĐH Bách khoa Hà Nội (trong khi thủ khoa A00 của toàn quốc chỉ đạt 29,35 điểm).
Điểm chuẩn cao nhất vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 theo phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 khối ngành đào tạo cử nhân sư phạm là Sư phạm Lịch sử với 28.58 điểm; thấp nhất là ngành Giáo dục Thể chất với 21 điểm.
Khối ngành đào tạo cử nhân ngoài sư phạm, điểm chuẩn cao nhất là ngành Ngôn ngữ Anh với 25.02 điểm; ngành công nghệ sinh học và công nghệ thông tin có mức điểm chuẩn là 15 điểm.
Trường ĐH Công đoàn lấy điểm trúng tuyển dao động từ 15,15 - 23,23. Ngành có điểm trúng tuyển cao nhất là ngành Luật. Một số ngành cũng có điểm chuẩn trên 23 là Tài chính - Ngân hàng, Kế toán.
Trường ĐH Thăng Long có điểm chuẩn 24 - 25 điểm, trong đó, cao nhất là ngành Truyền thông đa phương tiện với 25,89 điểm. Xếp sau đó là các ngành Marketing, Ngôn ngữ Trung Quốc…
Điểm chuẩn năm 2023 của Trường ĐH Điện lực cao nhất là 24 điểm thuộc về ngành Thương mại điện tử, tiếp đó là ngành Quản lý công nghiệp với 23,5 điểm. Với mức 23,25 điểm là các ngành: Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật cơ - điện tử, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Các ngành như: Công nghệ kỹ thuật môi trường, Công nghệ kỹ thuật năng lượng, Kỹ thuật nhiệt, Kiểm toán... có mức điểm trúng tuyển khá cao từ 18 điểm đến 23 điểm. Mức điểm chuẩn trúng tuyển vào trường năm 2023 dao động từ 18 đến 24 điểm.
Điểm chuẩn của Học viện Tài chính thấp nhất ở mức 25,8 điểm - cao nhất là 29,5 điểm. Các ngành có mức điểm chuẩn cao nhất theo chương trình chuẩn là Hệ thống thông tin quản lý, Tài chính - Ngân hàng 3; các ngành theo chương trình chất lượng cao như Kế toán doanh nghiệp, Tài chính doanh nghiệp đều ở mức 29,5 điểm. Ngành Hải quan và Logistics của Học viện Tài chính (AOF) lấy điểm chuẩn 35,51 (thang 40), tức trung bình 8,9 điểm một môn mới trúng tuyển; những ngành còn lại điểm chuẩn từ 34 trở lên.
Với thang điểm 30, ngành Quản trị kinh doanh cao nhất với 26,17 điểm, Tài chính - Ngân hàng 3 thấp nhất với 25,8 điểm. Học viện Tài chính đều đặt tiêu chí phụ cho tất cả ngành (điểm Toán và thứ tự nguyện vọng).
Tại Trường ĐH Giao thông vận tải, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có điểm chuẩn cao nhất với 26,15 điểm, giảm nhẹ 0,1 điểm so với năm ngoái. Còn lại, với các ngành đào tạo tại Hà Nội, điểm trúng tuyển chủ yếu trong khoảng 21-25. Hai ngành thấp nhất lấy dưới 19 điểm, gồm Kỹ thuật xây dựng công trình thủy (18,3) và Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (18,9).
Tại cơ sở TPHCM, điểm chuẩn thấp hơn, dao động 16,15-24,83.
Tại Trường ĐH Mở Hà Nội, ngành Thương mại điện tử có điểm trúng tuyển cao nhất trong nhóm lấy theo thang điểm 30, đây cũng là ngành duy nhất lấy trên 25 điểm. Hai ngành thấp nhất là Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, cùng lấy 17,25.
Ở nhóm các ngành lấy theo thang 40, tức có một môn trong tổ hợp nhân hệ số 2, điểm chuẩn dao động 23-32,82; ngành Ngôn ngữ Trung Quốc cao nhất và Kiến trúc thấp nhất.
Trường ĐH Thủy lợi có điểm chuẩn dao động 18,15 - 25,89 điểm. Công nghệ thông tin là ngành lấy điểm chuẩn cao nhất với 25,89; Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa 25,41; Thương mại điện tử 25,12; Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng cũng 25,01 điểm. Nhiều ngành có điểm chuẩn từ 24 trở lên gồm: Ngôn ngữ Trung Quốc, Kinh tế số, Luật kinh tế, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng.
Nhóm lấy điểm chuẩn dưới 20 gồm: Kỹ thuật cấp thoát nước, Kỹ thuật xây dựng công trình thủy thấp nhất với 18,15 điểm; Tài nguyên nước và môi trường (Thủy văn học) 19,15, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông 19,2. Mức điểm cao nhất của trường giảm khoảng 0,8 so với năm ngoái.
Điểm chuẩn Học viện Nông nghiệp Việt Nam dao động từ 16,5-24, cao nhất là ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng với 24 điểm, kế đó là ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô và Cơ điện tử 24, Kỹ thuật điện, Điện tử và Tự động hóa với 23 điểm. Ngành lấy điểm chuẩn thấp nhất là Khoa học môi trường với 16,5 điểm.
Trường ĐH Y Dược, ĐH Quốc gia Hà Nội lấy điểm chuẩn ngành Răng Hàm Mặt 26,8 điểm, ngành Y khoa 26,75 điểm, ngành Dược có điểm chuẩn 24,35 điểm. Ba ngành lấy từ 23,55 điểm trở lên, trong đó ngành Kỹ thuật Hình ảnh y học thấp nhất.
Học viện Kỹ thuật Mật mã lấy điểm ngành Công nghệ thông tin tại trụ sở Hà Nội là 26,2 điểm, giảm nhẹ so với mức 26,6 của năm ngoái. Ngành An toàn thông tin ở trụ sở Hà Nội là 25,6 điểm, cũng giảm 0,3 so với năm ngoái. Ngành Kỹ thuật điện tử - Viễn thông ở cơ sở Hà Nội và An toàn thông tin phân hiệu TPHCM lấy 25 điểm, tăng 0,25 với năm 2022.
Trường ĐH FPT ra thông báo tuyển sinh bổ sung các thí sinh trong top 50 SchoolRank hoặc đạt 21 điểm tổ hợp Ax, nhằm tăng nguồn nhân lực chất lượng cao, thời gian tuyển sinh đến ngày 6-9.