Đầy rẫy thách thức
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng 1 ước đạt 5,08 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2024. Xuất khẩu sang các thị trường chủ chốt như châu Mỹ, châu Á và châu Âu đều suy giảm, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ đạt 1,21 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, cho biết, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như cà phê, hạt điều đang mở rộng thị phần tại Mỹ, EU và Trung Quốc nhờ nâng cao chất lượng, nhưng cuộc chiến thương mại giữa các quốc gia đang đặt ra thách thức lớn. Việc gián đoạn nguồn cung từ các quốc gia bị áp thuế khiến giá cả hàng hóa, nhiên liệu và nguyên liệu sản xuất dao động mạnh.
Giá các nguyên liệu đầu vào như dầu thực vật, bột mì, đường và phụ gia thực phẩm đều tăng từ 10%-15%. Chi phí vận chuyển quốc tế cũng tăng mạnh, đặc biệt trên các tuyến từ châu Âu và Mỹ đã tăng gấp 3 lần so với trước đó. Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng lớn và cửa khẩu biên giới cũng làm tăng chi phí lưu kho, kéo dài thời gian giao hàng... Một số mặt hàng chủ lực như thủy sản và nông sản đang gặp khó khăn do các thị trường xuất khẩu siết chặt chính sách thương mại hoặc điều chỉnh tiêu chuẩn nhập khẩu.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS) thông tin, đến cuối năm 2024, các thành viên WTO đã đưa ra 1.029 thông báo và dự thảo về các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật. Phần lớn các quy định mới liên quan đến mức dư lượng tối đa của thuốc bảo vệ thực vật, chất phụ gia thực phẩm và tiêu chuẩn an toàn đối với từng sản phẩm nông sản, thực phẩm, trong đó có các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là thủy sản, rau quả, cà phê và hồ tiêu.
Việc tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe giúp tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm Việt Nam nhưng làm tăng chi phí sản xuất và kiểm định chất lượng, gây áp lực lớn lên doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Doanh nghiệp phải đối mặt với việc tăng giá thành sản phẩm, khiến hàng hóa Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh so với các nước có chi phí sản xuất thấp hơn như Thái Lan và Indonesia.
Ngoài ra, chi phí vận chuyển quốc tế tăng cao và các thủ tục kiểm định kéo dài cũng làm giảm tốc độ tiếp cận thị trường, ảnh hưởng đến tính linh hoạt của doanh nghiệp trong việc đáp ứng đơn hàng lớn từ châu Âu, Mỹ. Một số doanh nghiệp đã phải tìm cách cắt giảm chi phí hoặc điều chỉnh giá bán để duy trì thị phần, trong khi những doanh nghiệp khác đầu tư mạnh vào công nghệ để tối ưu hóa quy trình sản xuất nhằm giảm bớt chi phí gia tăng”, bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, đại diện Công ty Mova Plus, chuyên xuất khẩu nông sản đi thị trường châu Âu, chia sẻ.
Chủ động thích ứng
Thời gian gần đây, sự phản ứng nhanh của cơ quan chức năng đã hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp thích ứng với rào cản mới từ thị trường. Bà Lý Kim Chi dẫn chứng, mới đây, khi mặt hàng sầu riêng bị hải quan Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu do chưa kiểm nghiệm chất vàng O, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng đưa vào hoạt động 9 Trung tâm kiểm nghiệm chất này tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ và Cà Mau để hỗ trợ doanh nghiệp. Kết quả kiểm nghiệm của các trung tâm được phía bạn chấp nhận. Nhờ đó, nhiều lô hàng sầu riêng đã được thông quan, nối lại việc xuất khẩu.
Hiện các cơ quan chức năng cũng đang tiếp tục hoàn tất thủ tục để phía Trung Quốc công nhận thêm các phòng xét nghiệm vàng O, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong quá trình kiểm nghiệm. Nếu kết quả khả quan, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng có thể đạt 5 tỷ USD vào cuối năm nay.
Theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế, nếu thích ứng tốt thì năm nay xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam sẽ tiếp tục đột phá. Cụ thể, thị trường Mỹ sẽ nhập khẩu mạnh các mặt hàng như cá tra, tôm, hạt điều, cà phê… nhờ thuế suất ưu đãi về 0-5% theo hiệp định CPTPP và các thỏa thuận thương mại.
“Doanh nghiệp phải liên tục chủ động tận dụng tối đa lợi thế thuế xuất khẩu của các thị trường, kết hợp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tối ưu hóa chuỗi cung ứng nhằm thích ứng với tình hình thường xuyên biến động của thế giới”, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, nhận xét.
Còn với thị trường Trung Quốc, các mặt hàng chủ lực như sầu riêng, dừa, thanh long, gạo và thủy sản được hưởng lợi từ thỏa thuận thương mại song phương, trong đó: thuế suất nhập khẩu sầu riêng đã giảm xuống 7% và có thể tiếp tục điều chỉnh. Nhờ hiệp định EVFTA, thuế quan đối với gạo giảm dần và mở hạn ngạch miễn thuế cho 80.000 tấn/năm, hạt điều từ 12% xuống 0%, cà phê về 0%, tôm từ 12% xuống 0% theo lộ trình, cá tra từ 5,5% xuống 0% trong 3 năm.
Tương tự, Nhật Bản và Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philippines cũng là các thị trường quan trọng, với ưu đãi từ hiệp định thương mại giúp giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với nhiều mặt hàng nông sản và thực phẩm chế biến, đặc biệt là gạo và cà phê.