Cơ hội lớn cho thủy sản
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), Việt Nam đang có những mặt hàng nông sản có lợi thế so sánh khi Mỹ và Trung Quốc áp dụng các mức thuế suất cao lên các mặt hàng nông sản của nhau.
Thủy sản Việt Nam với các mặt hàng cá tra, tôm, thủy sản chế biến sâu… vốn là lợi thế sẽ càng có lợi thế hơn khi xuất khẩu sang Trung Quốc để thay thế các sản phẩm cùng loại. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ tăng cường các sản phẩm mực, hàu, tôm hùm… xuất khẩu sang Mỹ thay thế các sản phẩm của Trung Quốc.
Trong kế hoạch leo thang đánh thuế của Mỹ vào gói 200 tỷ USD với các mặt hàng nhập của Trung Quốc sẽ có đồ nội thất, nông sản và thủy sản. Trước mắt, Mỹ áp thuế 10% đối với các sản phẩm tôm của Trung Quốc mà đây lại là các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam trên thị trường Mỹ. Vì tôm Việt Nam đã có vị thế nhất định với người tiêu dùng Mỹ, có khả năng cạnh tranh về giá và thuế suất nên khi nguồn cung từ Trung Quốc sụt giảm, các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ chọn Việt Nam là nguồn cung thay thế.
Hiện nay, Mỹ được xác định là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của Việt Nam (chiếm 15,6% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam), còn Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 4 của Việt Nam (chiếm 15%).
Không chỉ tôm, các sản phẩm xuất khẩu như cá ngừ, cá tra của 2 nước lớn cũng đang đối mặt khó khăn, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Hiện Trung Quốc là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 5 cho Mỹ nhưng khi Mỹ lên danh sách 6.000 mặt hàng, sản phẩm sẽ bị áp thuế 10% và sẽ nâng lên 25% vào đầu năm 2019 thực sự là cơ hội để cá ngừ của Việt Nam thay thế cá ngừ Trung Quốc vào thị trường Mỹ.
Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu cá thịt trắng vào thị trường Mỹ, tranh thủ giành thị phần khi chiến tranh thương mại Trung Quốc - Mỹ leo thang khiến doanh số cá rô phi Trung Quốc tại các hệ thống siêu thị lớn của Mỹ giảm 20% - 30% so với trước.
Phát biểu tại cuộc họp báo tổng kết tình hình nông nghiệp quý 3 mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho biết, mặc dù chiến tranh thương mại Trung - Mỹ căng thẳng nhưng nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu nhiều loại trái cây của Trung Quốc từ Việt Nam vẫn ở mức cao. Năm nay, Việt Nam được mùa vải, nhãn nhưng không có tình trạng xe tải ùn ùn xếp hàng chờ ở cửa khẩu như các năm trước mà đã có sự thống nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc, vì vậy, các cửa khẩu phải làm việc cả ngày nghỉ, tăng ca để hàng hóa nông sản Việt Nam được xuất khẩu nhanh chóng.
Đối với thị trường Mỹ, hiện nay Việt Nam đã giải quyết được những vấn đề rất căn bản là việc áp thuế chống bán phá giá với cá tra, tôm… “Như vậy, có thể thấy rằng thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đang tiến triển rất tốt” - Thứ trưởng Hà Công Tuấn đánh giá.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ gia tăng mạnh. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Mỹ đạt trên 30,81 tỷ USD, tăng 12,5%. Còn theo Bộ Công thương, trong tháng 8 (tháng thứ 2 của cuộc chiến thương mại), xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 4,891 tỷ USD là mức kỷ lục kể từ đầu năm 2018. Còn theo nhận định của Bộ NN-PTNT, Việt Nam đã đạt 36,37 tỷ USD về giá trị kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản và năm nay 40 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu là con số nằm trong tầm tay. |
Tuy nhiên, cuộc chiến tranh thương mại Trung Quốc - Mỹ cũng đang bắt đầu ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Lâu nay, rất nhiều loại nông sản của Việt Nam có thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc, tiêu biểu là trái cây nhưng khi chiến tranh thương mại nổ ra, nhiều loại hàng hóa của Trung Quốc không thể xuất khẩu vào Mỹ sẽ buộc phải bán giá rẻ ở thị trường nội địa hoặc tìm cơ hội xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Trong khi có nhiều loại trái cây, rau củ mà lâu nay Việt Nam xuất sang Trung Quốc thì hiện nước này lại có chính sách thu hút đầu tư, tự trồng và mở rộng diện tích trên quy mô lớn, tổ chức quy trình bài bản ở ngay các tỉnh giáp với Việt Nam để giảm lượng nhập khẩu.
Dẫn ví dụ về thủy sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, do phải chịu thuế xuất khẩu cao khi đưa thủy sản chế biến sang Mỹ nên Trung Quốc có thể giảm nhập khẩu tôm nguyên liệu từ Việt Nam, trong khi vào năm 2017, có tới 94% lượng tôm Việt Nam xuất sang Trung Quốc là tôm nguyên liệu tươi sống và đông lạnh để nước này chế biến, xuất khẩu.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Toản, hệ lụy của chiến tranh thương mại là có những mặt hàng nông sản Việt Nam không thể xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc và Mỹ. Ngược lại, nông sản giá rẻ từ các nước này sẽ tràn vào Việt Nam. Có thể xuất hiện tình trạng mượn xuất xứ hàng hóa Việt Nam từ Trung Quốc để đưa vào Mỹ hoặc ngược lại, gây ra sức ép về gian lận thương mại, tiêu chuẩn chất lượng, sản phẩm. Vì vậy, Bộ NN-PTNT cùng Bộ Công thương sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các kịch bản, giải pháp ứng phó phù hợp.
Quyết tâm giành thị phần cho đồ gỗ Ngoài ra, theo ông Toản, Việt Nam còn một nhóm hàng rất tiềm năng là gỗ. Riêng kim ngạch xuất khẩu gỗ từ Việt Nam sang Mỹ mỗi năm là 3,06 tỷ USD, trong khi đó xuất khẩu gỗ từ Trung Quốc sang Mỹ lên tới 28,5 tỷ USD. Trong bối cảnh xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc như hiện nay thì Việt Nam có cơ hội tăng cường xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang Mỹ, tận dụng thời cơ để “giành giật thị phần” với các mặt hàng chủ yếu như: ghế ngồi, hàng nội thất… Chất lượng gỗ Việt Nam lại ngày càng được cải thiện. Ông Toản thông tin, vừa qua tại cuộc họp của Hiệp hội Gỗ ở TPHCM, các doanh nghiệp rất quyết tâm đẩy mạnh xuất khẩu gỗ, tăng cường cả chất lượng và mẫu mã. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, trong 7 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm lâm sản chính của Việt Nam ước đạt tới 5,025 tỷ USD, liên tục giữ mức tăng trưởng trung bình trên 14% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 78,5% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. |