Tham dự buổi hội thảo là các nhà khoa học, các Nghiên cứu sinh của Việt Nam và các nước: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan…
Hội thảo là diễn đàn học thuật nhằm kết nối các nhà khoa học trong nước và quốc tế trình bày các kết quả nghiên cứu về ngôn ngữ trên thế giới hiện nay và việc ứng dụng vào thực tiễn nghiên cứu ngôn ngữ ở Việt Nam và khu vực qua các chặng đường giao lưu, tiếp xúc ngôn ngữ - văn hóa.
Hội thảo đã phân nhánh thành 4 Tiểu ban: Ngôn ngữ học lý thuyết; Ngôn ngữ học liên ngành; Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, lịch sử tiếng Việt và phương ngữ; Ngôn ngữ học xã hội, ngôn ngữ học ứng dụng và ngôn ngữ học so sánh đối chiếu.
Những lĩnh vực nghiên cứu mà các tác giả khơi dậy và bàn luận trong Hội thảo này sẽ là những gợi dẫn phong phú, đa dạng để các Viện nghiên cứu, cũng như các cơ sở giáo dục và cả những người quan tâm đến Ngôn ngữ học có thêm một số ý tưởng thực hiện các đề tài nghiên cứu.
Nội dung của Hội thảo này cũng sẽ là nguồn ngữ liệu đáng quý, góp phần làm cho ngành Ngôn ngữ học cũng như các lĩnh vực KHXHNV vốn đang tiềm ẩn nhiều vùng nghiên cứu còn bỏ trống sẽ có thêm những gợi mở thú vị. Đồng thời, có những tác động nhất định đến bối cảnh giáo dục hiện nay.
Trường ĐHSP-ĐHĐN là 1 trong 7 Trường ĐHSP trọng điểm của Việt Nam và là Cơ sở giáo dục được kiểm định và công nhận đạt chất lượng giáo dục đầu tiên của cả nước, chúng tôi đã đang nỗ lực không ngừng để thực hiện sứ mạng của mình. Vì vậy, với sự phối hợp với Viện Ngôn ngữ học, hy vọng sự thành công của Hội thảo cũng là một dấu mốc quan trọng góp thêm vào sự phát triển khoa học, giáo dục của Nhà trường; giúp Trường ĐHSP-ĐHĐN càng tăng thêm nội lực cho công tác đào tạo, nghiên cứu ở cả bậc Đại học và Sau Đại học; thực hiện được sứ mạng và tầm nhìn trong chiến lược phát triển vừa toàn diện, vừa tập trung vào mũi nhọn trong xu thế Việt Nam, trong đó có giáo dục Đại học Việt Nam đang phải từng bước hội nhập toàn cầu hóa như hiện nay. |
“Chúng tôi không nghĩ rằng thảo luận trong một hội thảo ngữ học như hôm nay là hướng tới một tiếng nói chung mà chính là sự gợi mở vấn đề một cách rộng rãi nhất, khoa học nhất nhằm vào một mục đích thiết thực là góp phần thúc đẩy những nghiên cứu mới của giới ngữ học nước nhà. Theo tinh thần đó, tất cả các báo cáo được tuyển chọn vào tập kỷ yếu đều là những bài viết gợi dẫn khả năng thảo luận cao" - PGS. TS Bùi Trọng Ngoãn nói.
(1) Những khuynh hướng nghiên cứu ngôn ngữ học trên thế giới hiện nay và khả năng áp dụng những kết quả đó ở Việt Nam. Hy vọng rằng những báo cáo về ngữ pháp chức năng, về ngôn ngữ học tri nhận sẽ là những gợi ý thú vị, phát lộ những khoảng trống mà ngôn ngữ học ở Việt Nam cần tiếp cận và thu hẹp khoảng cách.
(2) Thành tựu của Việt ngữ học theo quan điểm chức năng luận. Ngữ pháp học tiếng Việt theo hướng chức năng luận đã có thể miêu tả một cách đầy đủ và thuyết phục về cơ chế văn phạm của tiếng Việt? Các vấn đề ngữ dụng học của tiếng Việt, câu và nghĩa của câu, về phạm trù nghĩa tình thái.
(3) Các vấn đề về ngôn ngữ và văn hóa, ngôn ngữ văn chương, về lý thuyết phân tích diễn ngôn.
(4) Vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chính tả chữ quốc ngữ, chuẩn mực tiếng Việt được sử dụng trong hoạt động giảng dạy ở các cấp học. Vấn đề giảng dạy tiếng Việt trong tư cách ngôn ngữ thứ hai đối với người học. Bên cạnh đó là các vấn đề về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số và sự bảo tồn tiếng nói của các dân tộc ít người.
(5) Các vấn đề liên quan tới ký hiệu học ngôn ngữ và các dịch vụ thông tin ngôn ngữ.
"Chúng tôi quan niệm mỗi một cuộc hội thảo là một điểm nối trên hành trình chạy tiếp sức không có điểm dừng, những gì được trình bày ở trên chỉ là những phác thảo khái lược về một điểm nối như vậy.”– PGS.TS Bùi Trọng Ngoãn cho biết.
“Trong quá trình chuẩn bị hội thảo, trao đổi với các thành viên của Ban tổ chức và các trưởng tiểu ban, chúng tôi cũng nhất trí với tinh thần của hội thảo lần này là tinh thần tranh luận, thẳng thắn. Bởi vì hiện nay ngành ngôn ngữ học Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức: vừa phải tiệm cận với trình độ của ngôn ngữ học thế giới, vừa phải trực tiếp tham gia giải quyết những vấn đề của xã hội đặt ra, trong đó có những vấn đề đòi hỏi phải tiệm cận với trình độ của thế giới, như vấn đề ngôn ngữ học tham gia vào cuộc cách mạng 4.0. Bối cảnh như vậy, đòi hỏi hội thảo phải có những tranh luận thật sự. Hội thảo này là hội thảo có nhiều tác giả trẻ, và chúng tôi tin rằng người trẻ sẽ đi đầu trong hoài nghi và tranh luận khoa học.
Và nói như nhà Ngữ học tài danh Jakobson trong một lần tổng kết hội thảo: Nếu hội thảo này khi nêu những vấn đề khoa học ra để tranh luận mà không ai chịu ai, thì đó là một hội thảo thành công.” – GS.TS Nguyễn Văn Hiệp cho biết.
Nhiều nội dung quan trọng về Ngôn ngữ học được "mổ xẻ" Về các nội dung được "mổ xẻ" tại hội thảo quốc tế này, PGS.TS Bùi Trọng Ngoãn cho biết, các nhà Ngôn ngữ học trong nước và quốc tế sẽ tập trung thảo luận, phản biện các nhóm nội dung: (1) Về Ngôn ngữ học lý thuyết, các báo cáo đã có sự trải rộng từ từ vựng, ngữ nghĩa, ngữ pháp đến ngữ dụng học. Trong đó, những nghiên cứu theo hướng chức năng luận đã đem đến những kiến giải mới lạ và có sức thuyết phục. Đáng chú ý là khi nhà nghiên cứu dùng lý thuyết “dị thanh” (hetoroglosia) của nhà ngữ học P.P.R. White để phân tích nghĩa của các tiểu từ tình thái cuối câu tiếng Việt. Bao quát cả cấu trúc luận và chức năng luận là những nghiên cứu mới về loại hình học cú pháp và về cấu trúc câu tiếng Việt. Người đọc, người nghe có thể gặp ở đây một thuật ngữ như đã quen thuộc nhưng lại chứa đựng những thông tin mới là “loại hình học cú pháp” và những kiến giải khúc chiết về loại hình học trật tự từ, loại hình học liên kết hình thái cú pháp và loại hình học cấu trúc cú pháp của tiếng Việt. Ở phạm vi hẹp hơn, lí thuyết điển mẫu của ngữ nghĩa học tri nhận cũng đã được áp dụng vào việc nghiên cứu nghĩa của câu tiếng Việt. Lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận cũng đã giúp các nhà nghiên cứu có được cách đọc mới về những đối tượng quen thuộc. Các ý niệm “vui”, “buồn”, ý niệm “lực” - “sức mạnh” trong tiếng Việt đã được khảo sát, kiến giải dưới góc nhìn tri nhận luận. Các vấn đề như nghĩa logic và nghĩa ngôn ngữ của các từ logic trong tiếng Việt, các cấu trúc được ưu tiên lựa chọn khi hỏi - đáp, các mức độ phủ định và các biểu thức ngôn ngữ biểu thị về từng mức độ phủ định trong tiếng Việt cũng đã được các tác giả xới lên. (2) Về ngôn ngữ học liên ngành, như chính cách định danh về nó, các báo cáo trải ra trên một bề mặt khá rộng từ mối quan hệ ngôn ngữ - văn hóa, ngôn ngữ với văn chương đến ngôn ngữ - lịch sử, địa lí, văn hóa (địa danh học). Những thuyết giải về việc lựa chọn từ cực cấp của người Nam Bộ như: “ngay đơ’, ‘ngay chốc”, “ngay bon”… hoặc về cấu trúc “Đã + chủ ngữ + động từ + bổ ngữ” (Đã người ta hô là…), là những phát hiện đáng tin cậy. Cũng dưới cái nhìn liên ngành như vậy, những khảo sát về cách đặt tên nhân vật hay lớp từ vựng gắn liền với môi trường sông nước trong sáng tác của một nhà văn Nam Bộ sẽ là những thông tin lôi cuốn người đọc, người nghe. Về ngôn ngữ văn chương, những nghiên cứu về đồng nghĩa lâm thời trong văn bản thi ca với những khảo sát về hiện tượng này trong thơ Hồ Xuân Hương, Xuân Quỳnh, Vi Thùy Linh, về tính ký hiệu hóa trong ngôn ngữ văn chương, về tính vùng miền trong văn bản nghệ thuật đều là sự vận dụng đa dạng các lý thuyết ngôn ngữ học hiện đại để xem xét, đánh giá ngôn ngữ văn chương bằng những kiến giải có cơ sở lý thuyết đáng tin cậy. Hàng loạt các bản báo cáo về địa danh học có mặt trong Hội thảo sẽ góp phần lấp đầy dần tấm bản đồ địa danh học Việt Nam. (3) Về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, lịch sử tiếng Việt và phương ngữ, là sự tập hợp hàng loạt bản báo cáo có hàm lượng khoa học cao. Thể hiện một thái độ quan tâm đến chính sách dân tộc và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số trên lãnh thổ Việt Nam, các báo cáo về nhóm đề tài này đã có sự phân bố cho cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Trong đó, có bài viết đã tổng hợp và nhận diện về công cuộc nghiên cứu ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số ở phía Bắc, một khu vực không rộng nhưng có đến 31 dân tộc ít người định cư; từ đó tác giả đặt ra những vấn đề cấp bách như việc xây dựng chữ viết Latin hoá, soạn từ điển, sách học tiếng, tìm giải pháp bảo tồn cho một số ngôn ngữ. Cũng có tác giả nêu lên một vấn đề đáng quan tâm khác là thực trạng sử dụng tiếng mẹ đẻ của người dân tộc thiểu số. Từ kết quả khảo sát năng lực sử dụng tiếng mẹ đẻ của người Giẻ - Triêng và hiện tượng chuyển mã, trộn mã trong giao tiếp của họ, tác giả đặt ra vấn đề giải pháp giúp họ bảo tồn tiếng nói dân tộc mình. Cũng trong khuôn khổ tiểu ban thứ ba, bài viết về ngữ âm lịch sử tiếng Việt đã xem xét một số dãy phụ âm và tổ hợp phụ âm đầu tiếng Việt từ thời điểm ra đời cuốn Từ điển Việt - Bồ - La đến thời điểm ra đời Nam Việt Dương hiệp tự vị. Phương ngữ cũng là một đối tượng nghiên cứu được nhiều người lựa chọn. Đó là những bản báo cáo về đặc điểm ngữ âm Nam Bộ, về từ xưng hô và cách xưng hô trong tiếng Quảng Nam. (4) Về ngôn ngữ học xã hội, ngôn ngữ học ứng dụng và ngôn ngữ học so sánh đối chiếu là bộ phận tập hợp một hệ thống bài viết rất phong phú. Đưa ngôn ngữ học vào đời sống, bản báo cáo về ngôn ngữ lệch chuẩn trên báo mạng điện tử giới trẻ đã phác thảo những đường nét căn bản cách sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay. Hoặc có bài viết phát hiện về hiện tượng “giao thoa cú pháp học” khi người Việt sống tại tỉnh Udon Thani sử dụng cấu trúc cụm từ số tiếng Thái để thay thế cấu trúc cụm từ số tiếng Việt. Đại diện cho lĩnh vực ngôn ngữ học ứng dụng là ý kiến về việc xây dựng cơ sở dữ liệu và khai thác dữ liệu chữ viết tắt tiếng Việt. Một ý kiến có tính thời sự về chữ quốc ngữ và chính tả hiện nay là bản báo cáo về thực tiễn phát âm và lịch sử chữ viết Quốc. Bài viết là những kiến giải của một nhà chuyên môn về một trường hợp “lệch chuẩn” của chữ quốc ngữ xét trên bình diện âm vị học. Về giảng dạy ngôn ngữ, bài viết về việc giảng dạy tiếng Anh tại Nhật Bản là một gợi ý đáng được tham khảo cho việc dạy - học ngoại ngữ hiện nay, cũng như việc dạy tiếng Việt trong tư cách ngôn ngữ thứ hai đối với người học. Về nội dung dạy học tiếng Việt, bản báo cáo về dạy nghi thức lời nói cho trẻ mầm non qua trò chơi đóng vai sẽ đem đến cho Hội thảo một vấn đề đáng được bàn thảo. Bên cạnh đó còn có một ý kiến đề cập về một khía cạnh ngôn ngữ trong diễn ngôn sư phạm, vốn là một vấn đề cấp thiết, cần có một hội thảo riêng. Theo hướng ngôn ngữ học so sánh đối chiếu, bài viết đối chiếu từ ngữ chỉ thời gian trong một ngày của tiếng Thái và tiếng Việt đưa đến những thông tin thú vị về các đối tượng được quy chiếu để xác định thời điểm ở từng ngôn ngữ. |