Giá mía tăng, nông dân có lãi
Phú Yên là một trong những tỉnh trọng điểm về mía đường với vùng nguyên liệu gần 25.000ha và 4 nhà máy đường.
Từ đầu năm 2025 đến nay, giá mía liên tục giữ ở mức cao, các nhà máy đưa ra mức mua mía 10 chữ đường lên đến 1,23 triệu đồng/tấn và nếu cộng thêm các khoản khác, giá lên 1,33 triệu đồng - mức giá cao nhất từ năm 2018 đến nay. Năng suất mía đạt 80-90 tấn/ha, cùng với giá mía tăng cao khiến bà con nông dân rất phấn chấn.

Ông Nguyễn Văn Lộc, nông dân xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên) nói: “Mấy năm trước, mỗi tấn mía chỉ được 1,1 triệu đồng. Nay giá mía được như kỳ vọng của bà con, mỗi tấn mía sạch, đẹp, đều mía, nhà máy thu mua hơn 1,3 triệu đồng”.
Không chỉ ở Phú Yên, tại nhiều vùng trồng mía ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, các nhà máy cũng tăng giá thu mua mía cho nông dân. Bà Lê Thị Tơ ở xã Nghĩa An, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) có 4ha đất trồng mía, chia sẻ: “Do gia đình đầu tư giống mía mới, năm nay đã thu được khoảng 150 triệu đồng, sau khi đã trừ hết các chi phí. Thành công hôm nay không chỉ là của riêng gia đình tôi mà còn là kết quả của sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp, cùng với chính sách ưu đãi và giá thu mua mía ổn định từ Nhà máy đường An Khê”.
Theo tính toán của các nông hộ trong vùng, với giá mía hiện nay, sau khi trừ chi phí, nông dân lãi khoảng 40 triệu đồng/ha. Ngoài những hộ sản xuất nhỏ, vùng Đông Trường Sơn còn xuất hiện những “tỷ phú mía đường” như ông Lê Công Thi ở phường Tây Sơn, thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai). Gia đình ông sở hữu hơn 30ha mía và đầu tư cho người dân địa phương canh tác 300ha. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông Thi thu về khoảng 3 tỷ đồng.
Một trong những bước ngoặt đem lại hiệu quả của ngành trồng mía là sự liên kết giữa người nông dân và nhà máy mía đường. Ông Nguyễn Văn Hảo, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê, cho biết, từ năm 2017, mô hình “cánh đồng mía lớn” được triển khai rộng khắp trong tỉnh, giúp nông dân Gia Lai thuận lợi tiếp cận cơ giới hóa và kỹ thuật canh tác tiên tiến.
Để đảm bảo phát triển bền vững của ngành mía đường, Nhà máy đường An Khê đang đề xuất UBND tỉnh Gia Lai cho phép nâng công suất ép từ 18.000 tấn/ngày lên 25.000 tấn/ngày (công suất lớn hàng đầu của các nhà máy đường trong nước).
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, diện tích mía nằm trong chuỗi liên kết giữa nông dân và nhà máy đường tiếp tục tăng và điều này giúp người trồng mía giảm bớt gánh nặng về vốn đầu tư cho loại cây trồng này. Tổng diện tích trồng mía cả nước niên vụ 2024-2025 là gần 175.000ha, trong đó diện tích mía của nông dân liên kết bán nguyên liệu cho nhà máy đường chiếm 93%.
Vẫn còn nhiều nỗi lo
Thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), kết thúc niên vụ sản xuất mía đường 2023-2024 vừa qua, ngành mía đường Việt Nam đã ép được 11.204.789 tấn mía, sản xuất được 1.107.777 tấn đường các loại. So sánh với vụ ép mía 2022-2023, sản lượng mía ép đạt 117,9% và sản lượng đường đạt 118,4%.
Kết quả này cho thấy, từ khi Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ năm 2021, ngành mía đường Việt Nam đã ghi nhận sự hồi sinh và tăng trưởng đáng kể, giá mua mía đã tăng liên tiếp. Hiện nay, giá mua mía khoảng 1,3 triệu đồng/tấn mía, là mức tương đương so với các nước sản xuất mía đường trong khu vực, là động lực gia tăng diện tích trồng mía.

Bên cạnh những kết quả tích cực như trên, hiện nay “vị ngọt” ngành mía đường vẫn chưa tròn trịa do nạn đường nhập lậu và tồn kho cao. Thống kê đến đầu năm 2025, ngành đường Việt Nam vẫn còn tồn gần 50% sản lượng của vụ 2023-2024. Đáng nói, trong niên vụ 2023-2024, rất nhiều hành vi gian lận thương mại liên quan đến đường nhập lậu từ Lào, Thái Lan về Việt Nam đã được các cơ quan chức năng phát hiện ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch VSSA, nhận định, đường nhập lậu không có lợi thế về chất lượng hay giá thành so với đường sản xuất trong nước. Tuy vậy, các đối tượng kinh doanh đường nhập lậu đã sử dụng các biện pháp phá giá, đồng thời không tuân thủ các quy định của pháp luật và cam kết quốc tế.
Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông Võ Thành Đàng, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi, chính sự thiếu công bằng trong cạnh tranh đã đẩy ngành mía đường Việt Nam vào nhiều rủi ro. Vì vậy, Nhà nước cần có những giải pháp để lành mạnh hóa thị trường đường, cụ thể là chống hàng nhập lậu và gian lận thương mại.
Sau niên vụ 2023-2024 lãi trước thuế gần 144 tỷ đồng, mức cao nhất trong 7 năm qua, Công ty CP Mía đường Lam Sơn (mã chứng khoán LSS) là doanh nghiệp hiếm hoi trong ngành lên kế hoạch tăng trưởng cao với lãi trước thuế 145 tỷ đồng.
Công ty CP Đường Kon Tum (mã chứng khoán KTS), niên vụ 2024-2025 đặt mục tiêu lãi trước thuế 26,8 tỷ đồng với doanh thu kỳ vọng hơn 493 tỷ đồng, tăng 77%.