Phụng Hiệp là địa phương thuộc vùng trũng nhất và được xem là túi chứa nước ở ĐBSCL. Đây cũng là huyện có diện tích trồng mía lớn nhất khu vực ĐBSCL với 7.500ha và hiện có khoảng 5.500ha mía bị ngập lũ.
Trong đó, 2.800ha bị ngập từ 10 - 40cm, nhiều diện tích gần như thiệt hại trắng, nếu không thu hoạch nhanh thì khả năng nhiều diện tích còn lại sẽ tiếp tục thiệt hại nặng. Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, ông Lê Tiến Châu đã trực tiếp thị sát tình hình mía bị ngập lũ, đồng thời yêu cầu ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương cùng 3 nhà máy đường trên địa bàn phải phối hợp giúp nông dân thu hoạch mía nhanh để tránh bị thiệt hại do lũ dồn về. Còn Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Đồng mong muốn: Các nhà máy đường trong vùng sớm đi vào hoạt động để giúp dân tiêu thụ nhanh mía nguyên liệu. Nhưng đây chỉ là giải pháp cấp bách trước mắt.
Tại ĐBSCL, giờ chỉ còn khoảng 55.000ha mía (thời cao điểm trên 100.000ha). Tỉnh Hậu Giang, hiện có diện tích mía cao nhất vùng (trên 10.000ha). Tỉnh này, đang có kế hoạch chuyển vài ngàn hécta mía sang trồng các loại cây khác. Ông Điền Văn Bảnh, nông dân huyện Phụng Hiệp vừa thu hoạch 5 công mía, chua xót nói: “Thương lái mua mía 680 đồng/kg, thấp hơn 300 đồng/kg so với những vụ trước. Thiếu nhân công, giá thuê người đốn mía tăng vùn vụt, chiếm hơn 1/4 giá bán mía”. Nhiều năm rồi, ông Bảnh muốn bỏ mía quay lại trồng lúa. “Có vốn mạnh, tôi đã bỏ cây mía đầu tư cây trồng khác lâu rồi”, ông ngậm ngùi nói.
Nông dân khổ nhưng các nhà máy đường cũng rơi vào bi kịch. Bước vào vụ mía mới nhưng nhiều nhà máy đường vẫn còn đường tồn trong kho, giá đường lại tụt thảm hại. Giá bán buôn bình quân đường trắng trên thị trường (có VAT) giảm xuống chỉ còn 10.500 - 11.000 đồng/kg, thấp hơn từ 2.000 - 3.000 đồng/kg so với năm ngoái.
Nguyên nhân chủ yếu là do đường lậu Thái Lan tràn lan trên thị trường. Hiện các nhà máy đường đang thiếu vốn trầm trọng để thu mua mía nguyên liệu của nông dân. Trong khi đó, phía ngân hàng lại cho vay với định mức quá thấp, khiến các nhà máy đường càng rơi vào cảnh khốn khó. Từ chỗ có 10 nhà máy đường trong vùng, nay đã có 3 nhà máy phá sản, 2 nhà máy (ở Long An và Bến Tre) đang “hấp hối” chờ bán. Ngay Công ty Mía đường Cần Thơ (Casuco), có 2 nhà máy đường là Phụng Hiệp và Vị Thanh được xem là có tiềm lực mạnh nhất trong vùng cũng đang chồng chất khó khăn. Công ty vừa phải giảm gần 100 cán bộ - công nhân viên.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Chính phủ cần sớm hỗ trợ một số chính sách ngang bằng với các nước sản xuất đường trong khu vực. Trong đó, cần sớm áp dụng thuế đặc biệt đối với mặt hàng đường lỏng (HFCS); xem xét điều chỉnh giá điện sử dụng bã mía làm nguyên liệu bằng giá điện sinh khối theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các bộ ngành có liên quan cần phối hợp đẩy mạnh với cơ quan chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thực hiện có hiệu quả các biện pháp chống buôn lậu mặt hàng đường.
Hơn lúc nào hết, cả nông dân và vài nhà máy đường đang còn trụ lại được trong vùng mong muốn Chính phủ triển khai có hiệu quả việc phòng chống đường lậu của Thái Lan xâm nhập vào thị trường Việt Nam và có giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp ngành mía đường.