TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết, cả nước có trên 30.000 doanh nghiệp kinh doanh các lĩnh vực liên quan đến logistics, riêng TPHCM chiếm tới 54%, trong đó có trên 4.000 công ty chuyên nghiệp có dịch vụ kết nối quốc tế. Từ nay đến năm 2030, các doanh nghiệp này cần hơn 200.000 nhân lực. Các vị trí việc làm này có mức lương dao động từ 7 triệu đồng đến 1.500 USD/tháng, tùy năng lực, kinh nghiệm. Tuy nhiên, hiện đào tạo tại Việt Nam chỉ mới có khả năng đáp ứng 10% nhu cầu nhân lực.
Việt Nam xác định logistics là một trong 12 ngành nghề trọng điểm sẽ được đầu tư mạnh mẽ để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế đất nước trong quá trình hội nhập quốc tế và đây chính là cơ hội để các trường nghề có thế mạnh trong đào tạo logistics nắm bắt. Do đó, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tập trung toàn lực triển khai thực hiện thành công nhiệm vụ công tác tuyển sinh; nâng cao chất lượng đào tạo, hoàn thiện chuẩn đầu ra, trên cơ sở tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; đổi mới hình thức và phương pháp thi, kiểm tra đánh giá; chuẩn hóa, tăng cường cơ sở vật chất thiết bị; ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0; gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.