Thúc đẩy khám phá, sáng tạo
“Em giỏi khối tự nhiên và thích khối ngành kỹ thuật nhưng ba mẹ lại hướng em vào khối ngành kinh tế. Xin thầy tư vấn giúp em, trong các ngành khối kỹ thuật, có ngành nào phù hợp với sở thích chịu khó, thích tò mò, khám phá máy móc của em không?”.
Với câu hỏi này của bạn Nguyễn Quang Thái (huyện Củ Chi, TPHCM), TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, giải đáp: “Em cần cố gắng thuyết phục và chứng tỏ cho gia đình thấy rằng mình phù hợp với lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ hơn. Ngành học và việc làm sau này sẽ gắn với cả cuộc đời của em, nếu chọn một ngành mà em không yêu thích thì sẽ khó phát huy hết thế mạnh của bản thân. Chưa kể bây giờ em học các ngành kỹ thuật, công nghệ, sau này muốn chuyển hướng sang lĩnh vực kinh doanh, quản lý cũng khá dễ dàng. Về việc học các ngành để thỏa tính tò mò, khám phá, em có thể tham khảo các ngành như nhóm ngành Công nghệ thông tin, nhóm ngành Cơ khí, Tự động hóa, nhóm ngành Điện - Điện tử, Viễn thông...”.
Trong khi đó, là con gái, em Ngô Nguyễn Phúc Hậu, Trường THPT Quang Trung (quận Gò Vấp, TPHCM) băn khoăn: “Thưa thầy, các ngành thuộc khối kỹ thuật của trường hiện có nhiều sinh viên nữ theo học hay không? Nữ theo học các ngành kỹ thuật liệu có gì trở ngại không?”.
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), chia sẻ: “Trường Đại học Bách khoa trong các năm vừa qua đã dần có tỷ lệ nữ sinh viên cao lên, khoảng 20%-22%. Hiện nay, nữ giới đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc phát triển khoa học và kỹ thuật. Do đó, em không nên lo lắng nhiều về việc này. Một số ngành tại Trường Đại học Bách khoa hiện có nhiều sinh viên nữ theo học là: Kỹ thuật Hóa học, Kỹ thuật Dệt may, Quản lý công nghiệp, Quản lý tài nguyên - môi trường, Kỹ thuật môi trường. Các sinh viên nữ hoàn toàn phù hợp để theo học ngành kỹ thuật do công việc chính của các em là thiết kế và sáng tạo. Hơn nữa, các sinh viên nữ có lợi thế nhờ tính cẩn thận, chăm chỉ, kiên nhẫn. Thực tế tại khoa Điện - Điện tử của trường, đa số các em sinh viên nữ học khá giỏi”.
Phải đam mê, yêu thích ngành nghề
“Hiện nay, nhiều ngành như Trí tuệ nhân tạo, Trí tuệ nhân tạo và robot, Khoa học dữ liệu... được khá nhiều thí sinh lựa chọn. Vậy người học cần những tố chất và năng lực như thế nào để theo học ngành này?”.
Gợi mở và giải đáp câu hỏi này của em Ngô Nhân (quận 6, TPHCM), TS Lê Viết Tuấn, Trưởng bộ môn Trí tuệ nhân tạo (Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Mở TPHCM) cho rằng: “Các tố chất và năng lực của người học cần có để theo học ngành này trước tiên là sự quan tâm và đam mê nghề nghiệp. Điều này vô cùng quan trọng vì sẽ giúp các em tự động cập nhật thông tin mới nhất và nuôi dưỡng sự tò mò để khám phá, nghiên cứu. Kế đến là phải có kiến thức cơ bản về toán học và logic để hiểu biết về các khái niệm cơ bản như đại số, hình học, xác suất và logic, giúp các em hiểu rõ hơn về các nguyên lý, thuật toán trong các lĩnh vực này. Cùng với đó, phải có kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề, khả năng tự học và nghiên cứu, kỹ năng lập trình (các em nên tìm hiểu và làm quen với ít nhất một ngôn ngữ lập trình)”.
Tư vấn cho Vũ Minh Thái (18 tuổi, ngụ phường 3, quận 11, TPHCM) về việc “Em muốn trở thành chuyên gia về phần mềm hoặc giảng dạy về lĩnh vực công nghệ thông tin ở các trường đại học. Vậy em nên chọn ngành nào để phù hợp với đam mê và sở thích của mình?”, Th.S Trương Quang Trị, Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, cho biết: “Chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm sẽ rất thích hợp cho những bạn muốn đi sâu vào lập trình thuần túy. Những bạn có sự kỹ tính, chi tiết, đam mê nghiên cứu và phát triển các phần mềm, ứng dụng hữu ích cho đời sống thì nên chọn chuyên ngành này. Trong lĩnh vực này, ngoài đam mê và nền tảng bước đầu thì quá trình đào tạo bài bản tại giảng đường sẽ trao cơ hội cho các bạn tự tạo dựng giá trị nghề nghiệp cho riêng mình. Nếu muốn học ngành này, em có thể tìm hiểu thêm các ngành đào tạo của trường như Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Kỹ thuật công nghệ thông tin...”.
Theo PGS-TS Hồ Quốc Bằng, chủ nhiệm đề tài “Khảo sát và đánh giá nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động - ĐVSDLĐ (doanh nghiệp ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan nhà nước) tại 4 tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ”, qua phản hồi của 67% ĐVSDLĐ (1.779 ĐVSDLĐ được khảo sát) cho thấy kế hoạch tuyển dụng nhân sự trong 3 năm tới của các ĐVSDLĐ chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực: Kinh doanh - Quản lý và kỹ thuật, Máy tính - Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Sản xuất - Chế biến, Kiến trúc - Xây dựng, Môi trường - Bảo vệ môi trường... Dự kiến, nhu cầu tuyển dụng của các ĐVSDLĐ trong thời gian tới là 79.327 người, tập trung vào các lĩnh vực trên.