Cơ hội lớn
Trong số 2.309 cơ sở in được cấp giấy phép hoạt động (số liệu năm 2021 của Cục Xuất bản, In và Phát hành), TPHCM là địa phương dẫn đầu với 625 cơ sở. Năm 2021, tổng doanh thu toàn ngành in đạt hơn 5 tỷ USD, riêng ngành in TPHCM chiếm hơn 50%.
Ông Ngô Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam, Chủ tịch Hội In TPHCM, cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, ngành in nói chung và ngành in của TPHCM nói riêng đang đứng trước rất nhiều cơ hội và thách thức. Cơ hội ở đây là sự phát triển của các chỉ số về chuyển đổi số, mức độ tiêu dùng cũng như trong đầu tư của nước ngoài đến Việt Nam. “Tất cả các ngành đều cần đến ngành in. Do vậy, tỷ trọng của ngành in ngày càng lớn hơn khi mà mức độ đầu tư của bên ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng”, ông Tuấn cho biết.
Cũng theo ông Ngô Anh Tuấn, Việt Nam đang trên đà trở thành một trung tâm logistics, khi đó bắt buộc phải có cơ sở hạ tầng để đóng gói hàng hóa. Mà muốn đóng gói được cần có bao bì, nhãn hàng…, do đó nếu các đơn vị in trong nước không mau chóng bắt kịp nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ chiếm lĩnh thị trường quan trọng này.
Một trong những chiến lược giúp ngành in của TPHCM đón bắt và phát huy hiệu quả thời cơ vàng hiện nay là đưa các doanh nghiệp vào các khu công nghiệp để hình thành các cụm in ấn lớn. “Việc này chúng tôi đang thực hiện và ban chấp hành nhiệm kỳ tiếp theo của Hội In TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện. Có thể chúng ta phải hình thành riêng một khu công nghiệp in với các nhà đầu tư mới cùng chủ trương, chính sách của lãnh đạo TPHCM”, ông Ngô Anh Tuấn thông tin. Một chiến lược không kém phần quan trọng chính là nâng cao năng lực của các đơn vị ngành in TPHCM, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số.
Thời gian qua, Bộ TT-TT, Sở TT-TT, Hội In TPHCM đã có những hoạt động nhằm giúp các doanh nghiệp in nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong việc giảm giá thành tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực tiếp thị và xúc tiến thương mại đến khách hàng.
Xây dựng nguồn nhân lực số
Theo ông Nguyễn Thái Linh, Phó Chủ tịch Hội In TPHCM, công nghệ số hóa sâu và rộng đã tạo ra sự thay đổi rất lớn trong xã hội. “Chuyển đổi số không phải chỉ là vấn đề công nghệ, giống như nhiều người đang nghĩ. Thực chất, công nghệ chỉ là một phần, phần quan trọng khác là nhận thức và thói quen. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện rất ngại thay đổi, không muốn thực hiện chuyển đổi số. Đây là vấn đề cần phải thay đổi trong nhận thức”, ông Linh nói.
Ông Lư Nghĩa Ân, Công ty TNHH TMDV Phong Cách Việt, phát biểu: “Nguồn nhân lực cho chuyển đổi số đòi hỏi trình độ, tư duy cao hơn so với kỹ thuật in bình thường. Chúng ta phải chú trọng vào khâu đào tạo, phải đẩy mạnh nguồn nhân lực bậc cao để đáp ứng nhu cầu của thị trường”.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Ngô Anh Tuấn cho rằng, thời gian qua, chúng ta nói rất nhiều về chuyển đổi số, về giải pháp, nhưng có một vấn đề quan trọng mà chúng ta không nói, đó chính là nhân lực. Muốn chuyển đổi số được phải có nhân lực, phải xây dựng được khung năng lực số cho cán bộ chủ chốt của ngành in.
“Nếu chúng ta không có cán bộ chủ chốt, không có kiến thức, không có sự trải nghiệm cần thiết trong chuyển đổi số thì tất cả những gì chúng ta đang bàn sẽ và tiếp tục là lý thuyết”, ông Tuấn nói.
Theo bà Công Thị Minh Sơn, phụ trách lĩnh vực in của Cục Xuất bản, để ngành in TPHCM nói riêng và ngành in của cả nước nói chung phát triển, mở rộng thị trường in xuất bản phẩm… thì cần thiết phải có các trung tâm tư vấn cho ngành. “Công nghệ, quản trị và nhân lực là những nhân tố chủ chốt quyết định sự thành bại của cả một doanh nghiệp. Trung tâm tư vấn sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết các vấn đề này”, bà Sơn nhấn mạnh. |