Tại châu Âu, Tập đoàn IAG, chủ sở hữu của các hãng hàng không British Airways (Anh) và Iberia (Tây Ban Nha), thông báo lỗ ròng 1,76 tỷ EUR (2,1 tỷ USD) trong quý 3-2020 do tác động của đại dịch. Kết quả hoạt động của IAG trong 3 tháng tính đến tháng 9 trái ngược hoàn toàn với mức lợi nhuận ròng 1 tỷ EUR cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu quý 3-2020 giảm 83%, xuống mức 1,2 tỷ EUR trong khi mức lỗ trước thuế và phí là 1,3 tỷ EUR (cùng kỳ năm ngoái ghi nhận mức lợi nhuận 1,4 tỷ EUR). Tính từ đầu năm tới nay, IAG đã thua lỗ tổng cộng 5,6 tỷ EUR. Dù nối lại các chuyến bay trong mùa hè vừa qua sau khi các quốc gia dỡ bỏ lệnh phong tỏa, nhưng hãng chỉ hoạt động cầm chừng với số lượng các dịch vụ cung cấp giảm mạnh.
Tương tự, Hãng hàng không Air France-KLM của Pháp ghi nhận khoản lỗ ròng lên tới 1,7 tỷ EUR (1,9 tỷ USD) trong quý vừa qua, đối ngược mức lãi 363 triệu EUR vào cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của hãng trong quý 3 chỉ đạt 2,5 tỷ EUR, giảm hơn 3 lần so với con số 7,6 tỷ EUR cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, số lượt khách của Air France quý vừa qua cũng giảm tới 70%, xuống còn 8,8 triệu lượt.
Trong khi đó, tại châu Á, Hãng hàng không Japan Airlines (JAL) của Nhật Bản ngày 30-10 thông báo, dự tính sẽ lỗ ròng 240 - 270 tỷ yen (khoảng 2,58 tỷ USD) trong tài khóa 2020 (tính đến cuối tháng 3-2021), đánh dấu lần đầu tiên hãng báo lỗ kể từ khi trở lại sàn chứng khoán năm 2012. Từ tháng 4 đến tháng 9, JAL chịu lỗ ròng 161 tỷ yen, trái ngược hoàn toàn với mức lợi nhuận 54,2 tỷ yen ghi nhận cùng kỳ năm ngoái. Doanh số giảm 74%, xuống mức 194,8 tỷ yen, trong khi mức lỗ trước thuế và phí là 224 tỷ yen.
Hồi đầu tuần này, hãng hàng không hàng đầu Nhật Bản ANA Holdings cũng dự tính mức lỗ ròng kỷ lục lên tới 4,87 tỷ USD trong tài khóa 2020. Truyền thông địa phương đưa tin, công ty này dự định cắt giảm 3.500 việc làm, trong khi JAL cũng cho biết sẽ ngừng tuyển dụng nhân sự trong năm tới.
Số liệu giao thông sơ bộ tháng 9-2020 do Hiệp hội các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương (AAPA) công bố hôm 28-10 cho thấy, cả nhu cầu hành khách và hàng hóa quốc tế đều ở mức thấp, không có dấu hiệu phục hồi. 1,1 triệu hành khách quốc tế đã bay trên các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 9, chỉ bằng 3,6% so với 30 triệu khách vào tháng 9-2019.
Trong khi điều kiện sản xuất được cải thiện hơn trên toàn cầu, một số nền kinh tế châu Á tiếp tục đối mặt với sự yếu kém trong xuất khẩu. Nhu cầu hàng hóa đường hàng không quốc tế đã giảm 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 9. Công suất vận chuyển hàng hóa giảm 29,9%.
Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) trong tháng 10 dự báo hàng không quốc tế và nội địa có thể lỗ 399 tỷ USD trong năm 2020. Con số này cao hơn nhiều so với mức thiệt hại ước tính ban đầu là 314 tỷ USD mà Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) dự báo vào tháng 4-2020, khi Covid-19 đợt 2 chưa bùng phát. Flight Radar báo cáo đã theo dõi 11.000 chuyến bay toàn cầu ngày 5-10-2020 trên trang web https://flightradar24.com, sụt giảm lớn so với 230.000 chuyến bay bay qua bầu trời trên toàn cầu vào ngày 25-7-2019 (ngày bận rộn nhất trong lịch sử của ngành hàng không). Và đó là mức giảm 9 lần so với số lượng trung bình 102.465 chuyến bay mỗi ngày trên toàn thế giới được ghi nhận vào năm 2019. |