Đánh giá tác động của dịch Covid-19, Bộ GTVT cho biết, đối với hàng không, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay ước khoảng 30.000 tỷ đồng. Với lĩnh vực hàng hải, số lượng tàu thuyền vận chuyển hàng hóa vào, ra cảng biển giảm khoảng 15%, tàu biển chở khách hủy chuyến lớn và dự kiến sẽ tiếp tục hủy trong tháng 4. Với đường bộ, sản lượng vận tải, doanh thu đều giảm mạnh từ 40%-80% so với cùng kỳ. Đường sắt doanh thu sụt giảm khoảng 90 tỷ đồng. Để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ GTVT đã cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với 50% số mặt hàng thuộc danh mục kiểm tra chuyên ngành. Việc kiểm soát sẽ chuyển mạnh sang hậu kiểm, chủ yếu thực hiện tại giai đoạn lưu thông hàng hóa trên thị trường nội địa. Đồng thời, Bộ GTVT cũng đã cắt giảm 384/570 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực GTVT.
Bên cạnh kiến nghị miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách cho ngành hàng không, Bộ GTVT còn kiến nghị Bộ Tài chính chủ trì xem xét miễn giảm phí neo đậu trong trường hợp tàu, thuyền phải neo đậu cách ly 14 ngày. Đặc biệt, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu miễn giảm thuế giá trị gia tăng đối với vận tải nội địa trong 3 năm để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
° Ngày 5-4, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết, trong bối cảnh hàng loạt chuyến tàu khách trên tuyến Bắc - Nam bị hủy do dịch Covid-19, ngành đường sắt bắt đầu nhận chuyển hàng online và đẩy mạnh hoạt động tàu hàng.
Theo đó, khách hàng có thể đặt vận chuyển trực tuyến trên website của công ty vận tải đường sắt, tra tìm trên hệ thống bán vé điện tử của ngành đường sắt về thời gian tàu đi, đến các ga để chủ động kế hoạch gửi hàng và nhận hàng. Nhân viên đường sắt sẽ đến tận nơi để nhận hàng gửi và sau đó giao đến tận tay người nhận. Nếu khách hàng có nhu cầu thì có thể chọn hình thức nhờ phía đường sắt thu hộ tiền hàng. Trong điều kiện giá nhiên liệu giảm và nỗ lực tiết kiệm chi phí, đơn vị sẽ xem xét giảm cước vận tải hàng hóa.