Ngành gỗ Bình Dương khởi sắc

Trong 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ của tỉnh Bình Dương có sự tăng tốc ấn tượng với giá trị ước đạt hơn 3,5 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 18,7% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, chiếm 37,4% tổng giá trị xuất khẩu gỗ cả nước và được kỳ vọng sẽ góp phần giúp ngành gỗ cả nước sớm cán đích mục tiêu xuất khẩu cả năm đạt 15,2 tỷ USD.

Công nhân Công ty gỗ Minh Phát (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) thao tác những công đoạn cuối trước khi đóng gói sản phẩm
Công nhân Công ty gỗ Minh Phát (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) thao tác những công đoạn cuối trước khi đóng gói sản phẩm

Tăng trưởng ấn tượng

Tỉnh Bình Dương hiện có hơn 1.200 doanh nghiệp (DN) chế biến và xuất khẩu gỗ, trong đó, có hơn 300 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ngành chế biến gỗ cũng là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Bình Dương, chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất tỉnh với các thị trường chủ yếu là: Mỹ chiếm 71,11%, tăng 26,6% so với cùng kỳ; các nước châu Âu chiếm 13,3%, tăng 10%; Canada chiếm 2,4%, tăng 9,2%; Hàn Quốc chiếm 1,8%, tăng 8,2%... Những tín hiệu tích cực từ ngành gỗ Bình Dương được ví như “đầu tàu” kéo ngành gỗ cả nước vào nhóm các ngành có tốc độ phát triển nhanh chóng. Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2024, cả nước có 3.324 DN tham gia trực tiếp vào xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ với giá trị ước hơn 9,36 tỷ USD, đạt 61,5% kế hoạch năm, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023, thuộc nhóm các ngành có tốc độ phát triển nhanh.

Đồ gỗ xuất khẩu là một trong những mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao của tỉnh Bình Dương.jpg
Đồ gỗ xuất khẩu là một trong những mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao của tỉnh Bình Dương

Theo lãnh đạo công ty nội thất gỗ Mê Kông (TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), trước đây, 2 nhà máy với quy mô hơn 1.000 lao động ở Việt Nam chủ yếu gia công cho công ty mẹ tại Pháp, nhưng từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát và tác động sâu rộng ảnh hưởng đến việc làm của công nhân và doanh thu, công ty đã có những thích ứng kịp thời mà lớn nhất là đạt được thỏa thuận với tổng công ty để mở rộng khách hàng, ký hợp đồng với một số doanh nghiệp khác ở châu Âu. Đến nay đã có sự phục hồi rõ rệt, giúp DN đủ cơ sở đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 lên 23 triệu USD, tăng 20% so với năm 2023 và hướng tới doanh thu 30 triệu USD vào năm 2027.

Theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), các kết quả ngành gỗ Bình Dương đạt được trong 7 tháng đầu năm khá tích cực, cho thấy sự chủ động của cộng đồng DN trong thực hiện các giải pháp trọng tâm như: mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa cách tiếp thị và bán hàng với các kênh trực tuyến, tham gia các hội chợ ngành gỗ lớn trên thế giới; nhất là trong bối cảnh thị trường chính là Mỹ và châu Âu ngày càng khắt khe trong việc kiểm soát nguồn gốc gỗ phải đảm bảo hợp pháp và dây chuyền công nghệ theo hướng sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính.

Cần chiến lược phát triển bền vững

Từ thống kê tình hình xuất nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của ngành chức năng cho thấy, trong giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu ngành gỗ đạt được trong 7 tháng năm 2024, ưu thế đang thuộc về các DN FDI, khi chỉ khoảng gần 700 DN tham gia xuất khẩu (chiếm hơn 20% tổng số DN) nhưng chiếm hơn 47% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ cả nước và tình hình cũng tương tự ở Bình Dương. Điều này cho thấy cần có sự kết nối giữa khối DN FDI và DN trong nước để ngành gỗ phát triển bền vững, tiếp cận sâu hơn vào các thị trường khó tính, cần nguồn vốn lớn và công nghệ sản xuất hiện đại, ít ảnh hưởng đến môi trường.

Trong nhà máy sản xuất của công ty gỗ Minh Phát, Bình Dương.jpg
Trong nhà máy sản xuất của Công ty gỗ Minh Phát, Bình Dương

Theo Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, hiện nay, kinh tế toàn cầu đã và đang được cải thiện, do đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung, mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ nói riêng được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực trong những tháng cuối năm 2024. Tuy nhiên, các DN ngành gỗ cần đặc biệt chú trọng vào đầu tư các giải pháp về kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất, như: giảm phát thải (sản phẩm xanh), nâng cao hiệu quả quản trị, ưu tiên là chuyển đổi số, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng bộ tiêu chuẩn giám sát nội bộ trong DN, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu. Tại Bình Dương, dự án nhãn hiệu tập thể gỗ Bình Dương có ý nghĩa và quan trọng đối với BIFA nhằm giúp phân biệt sản phẩm gỗ Bình Dương với các đối thủ cạnh tranh, DN chưa có chứng nhận, khẳng định chất lượng sản phẩm là cơ sở để tạo nên thương hiệu và danh tiếng của DN, sản phẩm và giúp người tiêu dùng đưa ra quyết định nhanh hơn khi mua hàng, từ đó giúp từng DN phát triển bền vững hơn.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương, cho biết, để ngành gỗ phát huy kết quả đạt được, vượt qua các thách thức mới, sở tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp trọng tâm, trong đó có đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương, mở rộng thị trường, ký kết đơn hàng xuất khẩu mới ngoài các thị trường truyền thống như: Trung Đông, Ấn Độ, Nam Mỹ đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường qua các sàn thương mại điện tử.

Tin cùng chuyên mục