Theo báo cáo của BIFA, trong quý 1-2022, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong hiệp hội tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021, nhiều doanh nghiệp có mức tăng trưởng khá, như: Công ty TNHH Sản xuất Triệu Phú Lộc đạt khoảng 30% kế hoạch năm và tăng 15% so với cùng kỳ; Công ty Tập đoàn KNG Trường Thành đạt 94% kế hoạch năm và tăng 70% so với cùng kỳ năm 2021; Công ty TNHH hai thành viên Thiết Đan đạt 94% kế hoạch năm…
Lý giải về mức tăng trưởng của ngành gỗ trong thời gian qua, Sở Công thương tỉnh Bình Dương đánh giá, các doanh nghiệp trong ngành đã thích ứng nhanh với trạng thái mới sau đợt dịch Covid-19 bùng phát, đồng thời chủ động tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhờ đó sản phẩm gỗ của Bình Dương được xuất khẩu sang nhiều thị trường, có lợi thế cạnh tranh. Đặc biệt, Hiệp định EVFTA có hiệu lực đang tác động rất thuận lợi cho ngành gỗ Việt Nam khi mức thuế giảm dần về bằng 0%.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch BIFA Nguyễn Liêm, ngành gỗ đang đứng trước những khó khăn, thị trường tiêu thụ lớn là Mỹ, châu Âu có xu hướng giảm do các biến động về địa chính trị và các khó khăn sau khi thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19, đồng USD mất giá nên nhu cầu mua nội thất gỗ cũng ở mức thấp khi người dân ưu tiên mua sắm các mặt hàng thiết yếu khác.
Theo khảo sát của BIFA, sắp tới, nhiều nhà máy chế biến gỗ ở Bình Dương có thể không có đơn hàng để sản xuất như Công ty CP Karta, Công ty TPP One; một số doanh nghiệp ký kết hợp đồng mới cũng giảm mạnh so với năm 2021 như Công ty TNHH TM & SX gỗ Thịnh Phát Tân Uyên; Công ty TNHH An Khang (cùng giảm 50%); Công ty TNHH Interwood (giảm 40%)…
Đại diện một công ty chế biến gỗ cho biết, hiện hầu hết các doanh nghiệp đang vướng chi phí đầu vào như: xăng dầu, chi phí logistics, các loại hóa chất sơn phủ sản phẩm… kéo theo giá thành sản phẩm rất cao. Chính vì vậy, một số doanh nghiệp hạn chế nhận đơn hàng mới nếu không thương lượng được giá phù hợp.
Cùng lo lắng này, lãnh đạo Công ty CP Gỗ Minh Dương (TP Thuận An) cho biết, hiện đơn hàng đi Mỹ, châu Âu của công ty đã ký đến hết quý 3-2022 nhưng chi phí bị đội lên rất cao, trong đó dịch vụ phí xuất khẩu tăng chóng mặt. Cụ thể, mỗi container xuất sang châu Âu đóng phí 6.000-8.000 USD, xuất sang Mỹ là 10.000-12.000 USD, gây áp lực cho doanh nghiệp trong việc đàm phán nhận các đơn hàng mới trong các tháng cuối năm.