Tại buổi đối thoại, các ý kiến tập trung các vấn đề về quy hoạch, sửa chữa trường lớp, điều chỉnh mức thu suất ăn bán trú, đẩy mạnh kho học liệu số dùng chung cho các trường học...
Mở đầu buổi đối thoại, ông Võ Cao Long, Trưởng phòng GD-ĐT quận 1, cho biết, năm học 2024-2025 là năm cuối cùng kết thúc lộ trình thay sách giáo khoa (SGK) triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Cùng với đó, đây là năm học toàn ngành đẩy mạnh mục tiêu chuyển đổi số, xây dựng các mô hình trường học thông minh. Do đó, các yêu cầu về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên được tập trung đẩy mạnh.
Tuy nhiên, trên thực tế, theo bà Hà Thị Bình, thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1), một số bàn ghế của học sinh hiện nay đã xuống cấp. "Dù đã có kế hoạch sửa chữa nhưng quy trình xét duyệt khá lâu, học sinh đã bước vào năm học nên ảnh hưởng đến quá trình học tập của các em", phụ huynh này cho biết.
Cùng ý kiến, một phụ huynh Trường THCS Chu Văn An băn khoăn, nhiều trường hiện nay có tuổi thọ hơn 50 năm, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, diện tích sân chơi nhỏ hẹp, điều kiện phòng ốc chưa thể đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Giải đáp băn khoăn của phụ huynh, bà Mai Thị Hồng Hoa, Phó Chủ tịch UBND quận 1 thông tin, trước đây, địa phương được giao quyền chủ động bố trí ngân sách. Song, khi thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, quận, huyện chỉ lập dự toán, trình kế hoạch cho Sở Tài chính tham mưu UBND TPHCM phê duyệt. Do đó, quá trình xét duyệt kế hoạch kéo dài hơn so với trước đây.
"Tôi đề nghị phòng GD-ĐT thường xuyên quan tâm, phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra định kỳ, lập kế hoạch sửa chữa để kịp thời bổ sung, thay thế trang thiết bị cho các trường học, đáp ứng yêu cầu dạy và học của các đơn vị", Phó Chủ tịch UBND quận 1 cho biết.
Ngoài ra, Trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) Hứa Thiện Vương đề xuất, song song kế hoạch sửa chữa của địa phương, trường học cần chủ động từ các nguồn xã hội hóa để bổ sung, thay thế trang thiết bị, kịp thời phục vụ nhu cầu học tập của học sinh.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề xuất tăng mức thu suất ăn bán trú cho học sinh, do mức thu hiện nay theo Nghị quyết 04 của HĐND TPHCM (quy định tối đa không quá 35.000 đồng/học sinh/ngày) không đủ đáp ứng yêu cầu về dinh dưỡng cho học sinh, đặc biệt các khối lớp ở cấp THCS.