“Chúng tôi không xin hỗ trợ tài chính mà chỉ xin cơ chế để hoạt động trong bối cảnh bình thường mới”, là điểm đáng chú ý trong bản kiến nghị cho phép các công ty sản xuất phim và chương trình truyền hình thuộc nhóm đối tượng phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch vừa gửi đến Thủ tướng Chính phủ và UBND TPHCM. 20 doanh nghiệp cùng ký tên trong bản kiến nghị này gồm: Galaxy Play, BHD, Hoan Khuê, Chánh Phương, Đất Việt VAC, ABC Pictures, CJ HK, VietCom, Blue Productions (Hãng Phim Xanh), Đông Nam Á, Film Clinic, Anh Tễu, 89s Group, Đa Sắc, Mar6 Studios, DTT, Star VN, MAC Việt Nam, Sidus And Teu, Thu Trang Entertainment.
Bản kiến nghị đã nêu ra rất nhiều khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối diện, thậm chí là tình trạng kiệt quệ và nguy cơ phá sản: “Việc thực hiện giãn cách, phong tỏa trên diện rộng và kéo dài khiến các doanh nghiệp trong ngành sản xuất phim và chương trình truyền hình gặp rất nhiều khó khăn: nhiều bộ phim và chương trình truyền hình không thể sản xuất và phát hành, một số dự án đang bấm máy phải tạm dừng hoặc không thể tiếp tục sản xuất”. Tồn đọng vốn đã đầu tư vào các dự án phim và chương trình truyền hình, người lao động đứng trước nguy cơ mất việc làm, phí thuê mặt bằng, lương cho nhân viên vẫn tiếp tục phải chi trả… cũng là những khó khăn được nêu ra. Bên cạnh đó là nguy cơ lệ thuộc vào nguồn phim và chương trình truyền hình nước ngoài khi nguồn cung trong nước không thể đáp ứng. Trên thực tế, thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp không còn cách nào khác phải chọn phương án thay thế tạm thời là sản xuất trực tuyến, hay hình thức recap (tổng hợp những phần ấn tượng đã từng lên sóng trước đó). Nhiều đài truyền hình chấp nhận phát lại phim, hay chương trình cũ để… lấp sóng.
Theo bà Vũ Quỳnh Hà, Giám đốc sản xuất nội dung Galaxy Play: “Chúng tôi không đề nghị hỗ trợ tài chính, bởi chúng tôi thấy rõ Chính phủ đang vừa phải oằn mình lo tài chính phòng chống dịch, vừa lo hỗ trợ cuộc sống cho nhân dân bằng các gói an sinh. Có những người dân còn nhường gói an sinh cho những người khó khăn hơn. Có bao nhiêu doanh nghiệp, người dân có khả năng vẫn đi làm từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn để đỡ đần cho Chính phủ. Việc xin hỗ trợ về thuế hay các chính sách tài chính khác là bước tiếp theo, hậu Covid-19, chúng tôi sẽ thảo luận sau”.
Bà Quỳnh Hà cũng cho biết, các doanh nghiệp có cơ sở để tin tưởng kiến nghị của mình sẽ được chấp thuận. Bà phân tích: “Việt Nam cùng thế giới đã ở trong dịch Covid-19 hơn 2 năm nay và chúng ta đã hiểu rằng phải chung sống cùng virus”. Các doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều đề xuất để hoạt động sản xuất an toàn, đảm bảo phòng chống dịch. Đại diện các đơn vị cho rằng, ngành công nghiệp điện ảnh, sản xuất phim và chương trình truyền hình có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Các doanh nghiệp tin nếu được hoạt động trở lại người lao động sẽ có công ăn việc làm, có thu nhập, giảm bớt gánh nặng về kinh tế và góp phần phục hồi, phát triển nền kinh tế của đất nước.
Ngày 29-9, trao đổi với PV Báo SGGP, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, thời gian qua do ảnh hưởng của Covid-19, toàn ngành bị thiệt hại nặng nề. Tổng doanh thu ngành điện ảnh các năm 2020, 2021 giảm mạnh so với năm 2019. Doanh số ngành điện ảnh năm 2020 chỉ đạt 750 tỷ đồng, năm 2021 ước đạt 1.156 tỷ đồng, giảm 70%-80% so với năm 2019. Các dự án sản xuất phim hợp tác, cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài hầu hết không thể triển khai, chỉ có 3 kịch bản thẩm định trong 8 tháng đầu năm 2021, giảm 1/6 so với cùng kỳ năm 2020, tương đương 16%. 8 tháng đầu năm 2021, số lượng phim nhập khẩu sụt giảm (78 phim truyện nhập khẩu, đạt chưa đến 70% so với cùng kỳ năm 2019). Từ 21-7-2021, công tác thẩm định và phân loại phim truyện chiếu rạp đã tạm dừng. Cục trưởng Cục Điện ảnh mong muốn các doanh nghiệp được hoạt sớm hoạt động trở lại, song cần cân nhắc, đảm bảo tinh thần chống dịch chung.
8 điểm trong kiến nghị của 20 doanh nghiệp bao gồm: thực hiện trực tuyến tất cả các công việc tiền kỳ có thể; thu hẹp quy mô nhân sự của đoàn phim khi sản xuất; thực hiện xét nghiệm PCR gộp, xét nghiệm nhanh theo định kỳ; đảm bảo 100% nhân sự đoàn phim đã tiêm vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính; sản xuất ở những bối cảnh biệt lập, hạn chế tiếp xúc; khai báo y tế và tuân thủ quy tắc 5K; chỉ định nhân sự kiểm soát việc tuân thủ các hoạt động phòng chống dịch; thực hiện nghiêm biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ, Bộ Y tế và UBND TPHCM. |