Theo đó, từ nay đến năm 2030, tổng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông lên tới hơn 208 tỷ USD, đến năm 2050 cần khoảng 378 tỷ USD. Trong cơ cấu tỷ trọng tổng vốn đầu tư này, ngành đường sắt được ưu tiên đặc biệt, với tổng vốn đầu tư đến năm 2030 vào khoảng 151,2 tỷ USD (bao gồm cả đường sắt đô thị). Đến năm 2050, con số này vào khoảng 312 tỷ USD. Nghĩa là đường sắt chiếm tới 70% - 80% vốn đầu tư cho toàn bộ hạ tầng giao thông quốc gia trong giai đoạn sắp tới.
Những con số nêu trên cho thấy đường sắt đã được đặc biệt quan tâm sau hơn 1 thế kỷ gần như bị bỏ quên. Đơn cử, trong giai đoạn 2010-2020, tỷ trọng đầu tư cho lĩnh vực đường sắt chỉ khoảng 3% trong tổng vốn của ngành giao thông. Vài năm trở lại đây, tỷ trọng đầu tư cũng chỉ nhích lên được hơn 4%. Hiện trạng đường sắt quốc gia đến nay vẫn là 7 tuyến hiện hữu với hơn 2.440km, chủ yếu là khổ đường đơn 1.000mm và hệ thống kỹ thuật liên quan chắp vá, không đồng bộ, rất khó cải thiện tốc độ. Trong đó, tuyến chính đường sắt Bắc - Nam đang có hàng trăm chiếc cầu, hầm đã cũ, chịu tải kém, hơn 3.000 đường ngang và lối đi dân sinh chạy qua, cùng phần lớn đầu máy, toa xe có tuổi đời hơn 30 năm…
Với kế hoạch đầu tư mang tính đột phá, Việt Nam sẽ có một mạng lưới đường sắt mới hiện đại có tính kết nối cao. Trong đó, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ được tập trung xây dựng để đóng vai trò là trục “xương sống” của nền kinh tế. Bên cạnh đó, các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TPHCM sẽ được đẩy nhanh tiến độ, kết nối với tuyến đường sắt tốc độ cao để hình thành mạng lưới vận chuyển hành khách thuận tiện trong cả nước.
Đồng thời, hàng loạt tuyến đường sắt mới sẽ được xây dựng với mục tiêu đến năm 2030, cả nước sẽ có 16 tuyến đường sắt quốc gia mới được xây dựng với tổng chiều dài 4.802km, trong đó đáng chú ý là các tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ, TPHCM - Lộc Ninh… Đến năm 2050, cả nước sẽ có 25 tuyến đường sắt mới được xây dựng với tổng chiều dài 6.354km. Các tuyến này sẽ kết nối đến các cảng biển quan trọng, kết nối cảng hàng không, kết nối với mạng lưới đường sắt khu vực và thế giới thông qua tuyến đường sắt xuyên Á.
Như vậy, Chính phủ, ngành GTVT đã đặt lĩnh vực đường sắt ở vị trí quan trọng nhất trong kế hoạch hoàn chỉnh mạng lưới giao thông quốc gia. Điều này rất quan trọng để đạt được các mục tiêu lớn trong giai đoạn từ nay đến 2030 và tầm nhìn đến 2050, đó là kéo giảm chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế; kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông; giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông và hướng tới nền kinh tế xanh.
Vấn đề còn lại là lộ trình và khả năng huy động vốn để thực hiện đầu tư cho đường sắt như thế nào. Bên cạnh các giải pháp sửa đổi hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng, môi trường đầu tư; xây dựng cơ chế để tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương; rà soát các quy hoạch để định hướng đầu tư; ưu tiên phân bổ vốn ngân sách cho các dự án khó thu hút vốn… Bộ GTVT cần sớm công bố danh mục, công khai thông tin về các dự án đường sắt để các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm có thể tìm hiểu và lên kế hoạch tham gia.
Một thông tin tích cực là, theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 đã được Quốc hội thông qua, dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến, xem xét và thông qua tại 2 kỳ họp thứ 9 và 10 trong năm 2025. Đây sẽ là cơ sở quan trọng tạo điều kiện để lĩnh vực đường sắt sẽ bứt phá trong thời gian tới.