Trong năm 2024, hành khách đi tàu đạt 7,02 triệu lượt, tăng 14,8% so với cùng kỳ; hàng hóa đạt 5,16 triệu tấn, tăng 11,2% so với cùng kỳ. Doanh thu hợp nhất của tổng công ty ước đạt gần 9.700 tỷ đồng, tăng gần 8% so với kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế toàn tổng công ty ước đạt trên 220 tỷ đồng.
Để có kết quả này, thời gian qua, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã đưa vào khai thác nhiều sản phẩm dịch vụ mới, thu hút hành khách như chuyến tàu kết nối di sản miền Trung, tàu thuê nguyên chuyến, chuyến tàu văn hóa trà và du lịch tỉnh Thái Nguyên...
Bên cạnh đó, việc hợp nhất Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn đã đánh dấu sự thay đổi lớn với vận tải đường sắt, nhằm tập trung nguồn lực, tài chính, phương tiện vận tải để tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tăng khả năng huy động vốn cho các kế hoạch phát triển vận tải đường sắt.
Do hạ tầng đường sắt hiện hữu còn hạn chế, năm 2025, ngành đường sắt chỉ đặt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận tương đương năm 2024. Tuy nhiên, hướng tới các mục tiêu đột phá trong tương lai, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu tổng công ty chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực, xây dựng lộ trình phát triển công nghiệp đường sắt. Cùng với đó, nghiên cứu tổ chức mô hình, bộ máy để đáp ứng nhiệm vụ mới về quản lý, vận hành, bảo trì đường sắt tốc độ cao và các tuyến đường sắt đầu tư mới theo quy hoạch.
Về việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đã hoàn thành việc sáp nhập 3 ban quản lý dự án, thu gọn từ 5 thành 3 chi nhánh xí nghiệp đầu máy.
Thời gian tới, tổng công ty tiếp tục thực hiện thoái vốn tại 13 công ty cổ phần, thành lập trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và phát triển đường sắt.