Tăng chế biến, tăng nguyên liệu nhập khẩu
Lợi ích của các loại hạt đối với sức khỏe là nguyên nhân khiến người tiêu dùng, đặc biệt là ở các nước phát triển, sử dụng ngày càng phổ biến hạt điều, óc chó, hạnh nhân, hạt phỉ...
Nhu cầu sử dụng hạt các loại, trong đó có hạt điều, trên toàn cầu được dự báo tiếp tục tăng. Theo ông Micheal Waring, Phó Chủ tịch Hội đồng Hạt và quả khô thế giới (INC), khi Tạp chí Sức khỏe Thế giới công bố hàm lượng dinh dưỡng và tác dụng có lợi phòng ngừa nhiều bệnh có trong hạt điều, thì đây là loại hạt được ưu tiên lựa chọn.
Nhu cầu tiêu dùng hạt điều trên thế giới tăng khoảng 10%/năm, trong khi khả năng tăng diện tích cũng như sản lượng hạt điều chỉ ở mức 5%. Đây là điều kiện giúp ngành điều Việt Nam tiếp tục phát triển trong thời gian tới. INC nhận định, giao dịch hạt khô trên thị trường toàn cầu có giá trị khoảng 30 tỷ USD/năm, trong đó nhân điều chiếm thị phần lớn nhất với khoảng 6,5 tỷ USD. Với xu hướng này, đến năm 2021, hạt điều sẽ chiếm gần 29% thị phần, sau đó mới đến hạt óc chó.
Tuy nhiên, càng nâng cao lượng chế biến thì các doanh nghiệp (DN) phải nhập khẩu ngày càng nhiều nguyên liệu từ các nước, đặc biệt là châu Phi và cao nhất là Bờ Biển Ngà.
Kiểm tra nhân điều sau khi tách vỏ - một khâu trong công nghệ chế biến điều Việt Nam. Ảnh: ĐÌNH TRƯỜNG
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), nguyên liệu điều thô nhập khẩu tăng dần qua từng năm. Ban đầu chỉ vài chục ngàn tấn/năm, năm 2016 đã vượt quá 1,1 triệu tấn và năm 2017 gần 1,5 triệu tấn. Tại buổi gặp gỡ báo chí cuối năm 2017, Chủ tịch Vinacas Nguyễn Đức Thanh cho biết nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng khoảng 20% - 30% nhu cầu của nhà máy.
Diễn biến thị trường điều thô nhập khẩu những năm qua cho thấy, việc phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu dẫn đến nhiều rủi ro cho DN Việt. Các DN nhập khẩu luôn phải chịu nguy cơ bị hủy hợp đồng, giao hàng không đúng hẹn, rủi ro trong thanh toán.
Theo ông Bạch Khánh Nhật, Giám đốc Vina Control, hiện tượng điều thô nhập khẩu từ châu Phi bị ẩm mốc, mọc mầm, thối nhũn, nhiều tạp chất vẫn xảy ra.
Tỷ lệ tổn thất điều thô nhập khẩu vẫn cao, chiếm 30%. Năm 2017 xảy ra thêm hiện tượng hạt điều bị thối nhân, vỏ bên ngoài khô, màu sắc vỏ hạt bình thường, nhưng bên trong nhân điều bị thối hoặc ẩm mốc làm tỷ lệ nhân thu hồi giảm mạnh; hoặc nhân điều bị sẫm màu, ảnh hưởng đến chất lượng nhân sau chế biến. Điều này không chỉ gây tổn thất về vật chất mà còn ảnh hưởng đến uy tín DN khi xuất khẩu nhân sơ chế.
Xây dựng vùng điều nguyên liệu ở Campuchia
Ông Nguyễn Đức Thanh cho biết, bên cạnh việc xây dựng vùng điều nguyên liệu trong nước khi ngăn được đà suy giảm diện tích nhờ năng suất được nâng lên, hiệp hội đã đi khảo sát một số nơi ở Campuchia giáp với Việt Nam và nhận thấy những nơi này có điều kiện thổ nhưỡng tương tự vùng Đông Nam bộ (khu vực trọng điểm điều nguyên liệu trong nước), khá phù hợp với sự sinh trưởng của cây điều.
Thực tế, Campuchia là một trong những nước sản xuất điều thô có chất lượng ổn định, nhờ có giống điều khá tốt. Đặc biệt, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia quan tâm đến việc trồng mới cây điều cao sản, nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Vì vậy, Vinacas đang phối hợp với bộ này của Campuchia và các DN tại chỗ, hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu 500.000ha trồng điều với hy vọng có nguồn nguyên liệu khoảng 1 triệu tấn/năm trong tương lai. Vinacas và các DN chế biến điều Việt Nam cam kết mua toàn bộ lượng điều nguyên liệu mà phía Campuchia sản xuất.
Đặc phái viên Chính phủ, Tổng cục trưởng Tổng cục Nông nghiệp (Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia), ông Hean Vann Horn, cho biết diện tích điều ở Campuchia đã sụt giảm mạnh, nếu được tổ chức sản xuất và tiêu thụ tốt khi hợp tác với DN Việt Nam, việc xây dựng vùng điều nguyên liệu 500.000ha của Campuchia trong thời gian tới là khả thi.
2 năm gần đây, điều thô nguyên liệu từ Campuchia xuất sang Việt Nam lên đến hơn 90%, trong khi từ năm 2014 trở về trước chỉ khoảng 30%. Campuchia hiện là quốc gia đứng thứ 5 về lượng điều thô nguyên liệu, sau các nước châu Phi, nhưng ông Hean Vann Horn cho rằng, để có thể khuyến khích và thu hút sự tham gia trở lại của người trồng điều cũng như để việc hợp tác giữa hai bên cùng thắng lợi, phía bạn Campuchia mong muốn Hiệp hội Điều Việt Nam hỗ trợ và giúp đỡ tận tình (từ khâu chọn giống, quy trình canh tác, kỹ thuật thu hoạch, bảo quản…) nhằm nâng năng suất, chất lượng hạt điều, qua đó đảm bảo được cuộc sống từ lợi nhuận của người trồng điều Campuchia.
Ông bà ta có câu “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” phù hợp trong bối cảnh này, khi sự hợp tác dựa trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi. Campuchia có vùng nguyên liệu tập trung, Việt Nam có thế mạnh về công nghệ và thiết bị chế biến.
Cự ly vận chuyển rất gần so với châu Phi. Ngành điều Việt Nam kỳ vọng, khi hoạt động xuất khẩu quá lệ thuộc vào thị trường hay nguyên liệu từ một quốc gia hoặc khu vực nào sẽ giúp giảm bớt những nguy cơ. Bên cạnh đó, việc củng cố vùng nguyên liệu trong nước sẽ giúp giải quyết triệt để và căn cơ bài toán về nguồn cung nguyên liệu chế biến - điểm yếu cốt tử của ngành điều Việt Nam.
Để tỏ rõ thiện ý, từ kinh nghiệm tại Việt Nam, các chuyên gia của Vinacas khuyến cáo phải xác định việc tuyển chọn giống là ưu tiên số một, sau đó là kỹ thuật canh tác, thu hoạch và thương mại. Nên chọn và nhân giống ngay từ những cây điều tốt nhất ở địa phương, rồi trồng ngay tại khu vực đó, thay vì nóng vội đưa giống điều nước ngoài về trồng. Vì giống điều có đặc điểm biến thiên về di truyền và sinh học. Ngoài ra, Vinacas hỗ trợ nước bạn 1,5 tỷ đồng để làm kinh phí cho việc phát triển 1 triệu cây giống điều cao sản giai đoạn 2018-2022. Tổ công tác nghiên cứu, hỗ trợ phát triển điều Việt Nam - Campuchia cũng đã được thành lập để hiện thực hóa kế hoạch trên.