Điều thô - Nỗi lo chất lượng
Với vai trò là quốc gia nhập khẩu điều thô cũng như xuất khẩu nhân điều lớn nhất thế giới, Việt Nam gần như đóng vai trò điều phối, làm cầu nối xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu cho ngành điều thế giới vốn còn rời rạc giữa những nước cung cấp điều thô (Bờ Biển Ngà, Nigeria, Mozambique, Benin…), nước chế biến (Việt Nam, Ấn Độ) và các thị trường tiêu thụ.
Theo ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), Hội nghị quốc tế Điều Việt Nam không chỉ là sự kiện xúc tiến thương mại quốc gia thường niên và quan trọng nhất của ngành điều nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm, xúc tiến xuất khẩu, điều quan trọng hơn là xây dựng và củng cố mối quan hệ bền vững, lâu dài giữa các doanh nghiệp (DN) ngành điều Việt Nam và thế giới.
Tại hội nghị này, Vinacas cùng những DN chế biến xuất nhập khẩu nhân điều của Việt Nam và cộng đồng người mua, nhà nhập khẩu, phân phối, chiên rang, siêu thị điều trên toàn thế giới cùng nhau thông tin, phân tích, đánh giá và định hướng phát triển cho ngành điều thế giới giai đoạn sắp tới, với mục tiêu chung là sự ổn định giúp tất cả các bên tham gia vào chuỗi giá trị điều toàn cầu cùng có lợi, công bằng và hiệu quả về sản xuất - kinh doanh của tất cả DN.
Việt Nam là quốc gia nhập khẩu điều thô lớn nhất, các nước châu Phi là khu vực cung cấp nguyên liệu dồi dào nhất. Nhưng sự liên kết, hợp tác giữa 2 phía chưa thật sự êm xuôi. Vấn đề chất lượng và thực hiện hợp đồng luôn là vấn đề đặt ra giữa 2 bên từ nhiều năm qua. Chất lượng điều thô gần như là nỗi ám ảnh của DN Việt, do chưa thể kiểm soát được nên phải bị chịu thiệt khi về tới cảng Việt Nam.
Việc áp dụng tiêu chuẩn quốc gia cho điều thô nhập khẩu sẽ giúp các DN có căn cứ để thực hiện hoạt động mua bán, giúp các bên có cơ sở giải quyết vấn đề chất lượng điều thô không ổn định này.
Nhân điều - Giá nào phù hợp
Vấn đề thứ hai, có sự vênh khá lớn giữa cung và cầu. Sản lượng điều thô thế giới tăng gần 10%/năm, trong khi nhu cầu tiêu dùng chỉ tăng khoảng 4%/năm. Sản lượng điều thô toàn cầu năm 2000 dưới 2 triệu tấn, hiện nay 3,5 triệu tấn.
Giá điều thô châu Phi lại bị đẩy lên quá cao trong thời gian ngắn, gấp nhiều lần so với giá nhân điều. Theo Tiến sĩ R. K. Bhoodes, Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu điều Ấn Độ (CEPCI), ngành điều đang gặp khủng hoảng khi giá điều thô tăng quá cao, trong khi giá nhân điều sau chế biến lại không thể tăng theo, vì xét cho cùng, nhân điều chỉ là một trong nhiều mặt hàng trong rổ hàng hóa các loại hạt ăn được (hạnh nhân, óc chó, macca, hạt phỉ… ).
Nếu một hạt nào đó tăng nhanh và cao hơn, người tiêu dùng sẽ chuyển qua hạt khác. Trong khi đó, năng lực chế biến của Việt Nam, như Phó Chủ tịch Vinacas Nguyễn Minh Họa cho biết, nhờ thiết bị và công nghệ mới, trung bình chỉ cần 2 ngày 1 nhà máy có thể chế biến được 1 container điều, so với trước đây là 2 tuần.
Nói về sản lượng xuất khẩu nhân điều những tháng đầu năm 2018, theo ông Tạ Quang Huyên, Phó Chủ tịch Vinacas, nhu cầu thị trường tăng khoảng 4%/năm nhưng công suất chế biến trong 6 tháng tăng đến 25% so cùng kỳ 2017.
Việc xuất hiện tâm lý lo sợ của các DN chế biến đã dẫn đến sự “sụp đổ” giá điều nhân. Tháng 5, giá điều nhân giao dịch ở mức giá 4,3 - 4,5USD/pound (0,45kg) loại WW320, chỉ trong thời gian ngắn rơi xuống còn 4USD/pound, sau đó giảm tiếp xuống 3,7 - 3,9USD/pound, trong khi cơ sở nhỏ bán 3,65USD/pound. Diễn biến này làm chao đảo cả chuỗi ngành điều, từ Việt Nam (chiếm 60% sản lượng điều nhân giao dịch trên thế giới) đến Ấn Độ (từng là thủ phủ chế biến điều thế giới) và nước xuất khẩu điều thô.
Tại hội nghị quốc tế điều vừa qua, ông Vũ Thái Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Long Sơn (TPHCM) - một trong ít công ty Việt Nam bán trực tiếp điều vào các siêu thị, cho biết do giá siêu thị đã chốt với các hợp đồng của những nhà chiên rang, nên dù giá nhân điều đã giảm từ nhiều tháng qua nhưng giá trên kệ siêu thị không thể giảm.
Đó là độ trễ của thị trường. Chỉ khi nào hết hợp đồng, với hợp đồng mới, giá siêu thị sẽ giảm. Các hệ thống siêu thị đều cho rằng với mã hàng phổ thông W320, giá dao động 3,2 - 3,5USD/pound được xem là phù hợp, được người tiêu dùng chấp nhận.
Ông Nguyễn Minh Họa cho rằng, làm sao các phân khúc trong chuỗi từ nhà cung cấp điều thô, nhà chế biến, nhà chiên rang đến siêu thị đều được công bằng, rõ ràng, lợi ích hài hòa sẽ giúp ổn định cho chuỗi giá trị điều toàn cầu.
Trước đó, đại diện ngành điều châu Phi cũng mong muốn Việt Nam và Ấn Độ cùng điều tiết giá điều thô, hạn chế sự biến động bất thường như thời gian qua. Đó cũng là định hướng cho năm 2019.
Các quốc gia châu Phi, dẫn đầu là Bờ Biển Ngà, với trữ lượng điều thô nhiều nhất thế giới (hơn 750.000 tấn/năm), rất muốn Việt Nam tham gia đầu tư thiết bị, nhà máy tại đất nước này để chế biến. Chính phủ Bờ Biển Ngà không giấu ý định sẽ ngưng xuất khẩu điều thô để dành cho chế biến trong nước. Tiến sĩ Adama Coulibaly, Chủ tịch Hội đồng Bông và Hạt điều Bờ Biển Ngà (CCA), cho biết chế biến là khâu đặc biệt quan trọng và tuy đã có nhiều cải thiện nhưng Bờ Biển Ngà vẫn gặp nhiều thách thức. Vì vậy, quốc gia này đặt kỳ vọng với đối tác lâu dài là Việt Nam. Bởi Việt Nam có nhiều kinh nghiệm và dẫn đầu về công nghệ chế biến hạt điều thế giới. Rất tiếc, điều này là chưa thể thực hiện, như ông Trần Văn Hiệp, Trưởng ban Xúc tiến thương mại, cho biết. Đây là vấn đề đã được Vinacas đặt ra, nhưng sự an toàn chưa thật sự đảm bảo cho nhà đầu tư, tính rủi ro còn cao. |