Những điểm nhấn
Năm 2019, ngành điều Việt Nam không chỉ tiếp tục giữ vững ngôi vị đứng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân mà còn ghi nhận lần đầu xuất khẩu điều nhân vượt qua mốc 400.000 tấn/năm. Đến tháng 11-2019 đã xuất khẩu 418.110 tấn và dự kiến hết năm 2019, con số xuất khẩu là trên 450.000 tấn điều nhân, so với 395.000 tấn năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu lên 3,6 tỷ USD, tăng 14% giá trị kim ngạch xuất. Năm 2019, tỷ lệ sản phẩm điều chế biến ăn liền có giá trị gia tăng cao như điều rang muối, điều tẩm mật ong, điều wasabi... đạt 15% tổng giá trị xuất khẩu (năm 2018 là 8%). Lượng nhập khẩu điều thô từ các nước về Việt Nam hết năm 2019 trên 1,6 triệu tấn, tăng trên 27% so năm 2018.
Trước đó, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch VINACAS, từng phát biểu với báo giới, nếu năm 2019 tiếp tục như năm 2018, ngành điều Việt Nam sẽ bị phá sản! Điều đó cho thấy, năm 2019 có ý nghĩa quan trọng như thế nào với ngành điều. Những thiệt hại nặng nề của năm 2017 và nhất là năm 2018 vẫn còn ảnh hưởng lớn đến ngành trong những tháng đầu năm 2019. Phải đến giữa năm, tình hình sản xuất kinh doanh mới tốt dần lên và sang đến quý 3 thì bắt đầu phục hồi, đem lại kết quả đáng phấn khởi cho toàn ngành.
Ban Thường vụ VINACAS cho biết, năm 2019 hầu hết doanh nghiệp (DN) ngành điều đều khởi sắc, có lợi nhuận, tất nhiên chưa thể thu lại hết những mất mát của năm 2017-2018 để lại. Những nỗ lực của VINACAS cùng những DN hàng đầu thường xuyên hội ý, đánh giá thị trường đề tìm ra hướng đi hợp lý, cũng như những nỗ lực tự thân của các DN đã có kết quả, khi khép lại năm 2019, các DN cùng vững bước đi lên. Qua đó, khẳng định vị thế và thể hiện năng lực vượt qua các thách thức, nhất là vào giai đoạn khó khăn trong quá trình phát triển của ngành điều.
Năm 2019, số lượng hạt điều nhân sơ chế (còn vỏ lụa hoặc không còn vỏ lụa) nhập khẩu vào Việt Nam có xu hướng tăng mạnh hơn so với năm 2018 và các năm trước. Lượng hàng hóa đưa vào “Thị trường không tên” (Unknown), thường là hàng hóa đưa vào kho ngoại quan ngày càng tăng. Lần đầu tiên, DN Việt gây tiếng vang trên thị trường ngành điều thế giới với việc tham gia mạnh mẽ của các DN lớn vào thị trường điều thô mà đi đầu là thương vụ “TL176” của Tập đoàn Tân Long, khi tham gia vào việc đấu thầu, nhập khẩu điều thô từ các nước châu Phi, đặc biệt là việc mua mua 176.000 tấn điều từ Chính phủ Tanzania.
Tập đoàn Tân Long đã thành công trong việc khai thác lợi thế về logistics khi thuê riêng và đón 6 tàu chở điều thô từ Tanzania về Việt Nam, cung cấp nguồn hàng chất lượng. Nguồn hàng này đã tạo ra bước ngoặt mới khi làm chủ lượng điều thô nhập khẩu, cung cấp nguyên liệu ổn định hơn, không còn xảy ra tình trạng bị DN nước ngoài ép giá.
Trước sức ép của nhiều nước
Theo nhận định của các chuyên gia, 2020 là năm khó dự đoán trước những diễn biến phức tạp của thị trường quốc tế. Ngành chế biến điều Việt Nam đang chịu sức ép từ chính sách của các nước với những mục đích khác nhau, như xung đột thương mại Mỹ - Trung, Mỹ - Ấn; chính sách bảo hộ liên quan đến điều thô của các quốc gia châu Phi như Bờ Biển Ngà, Mozambique, Tanzania... ngày càng có những chính sách mới nhằm siết chặt hơn như việc áp giá sàn điều thô khi giao dịch, hay chính phủ đứng ra trực tiếp dự trữ và giao dịch như trường hợp Tanzania.
Ấn Độ, thị trường tiêu thụ nhân điều nhiều nhất thế giới với khoảng 1,3 tỷ người, là đối trọng của ngành điều Việt Nam, nhưng hiện đang áp dụng chính sách thuế để hạn chế lượng điều nhân nhập khẩu, chủ yếu từ Việt Nam. Hiệp hội, nhà máy chế biến điều Ấn Độ vận động chính phủ có biện pháp kiểm soát việc nhập khẩu điều nhân khi giá điều nhân tại nội địa Ấn Độ cao hơn giá tại các thị trường châu Âu, Hoa Kỳ.
Theo đó, nước này tăng giá nhập khẩu tối thiểu (MIP) lên 1,8 - 2,4 lần. Trong khi đó, các nhà rang chiên hạt điều lớn của Mỹ và châu Âu cho biết, tới đây sẽ áp đặt thêm một số tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, kiểm tra thêm dư lượng hoá chất, siết chặt quy định về xuất xứ hàng hóa... Với Trung Quốc, từ năm 2017 đến nay ngày càng kiểm soát chặt chất lượng nông sản xuất qua đường tiểu ngạch như gạo, thủy sản, điều nhân... Vì vậy, nếu các DN không kịp điều chỉnh nhằm đắp ứng yêu cầu mới sẽ khó có cửa vào thị trường rộng lớn này
Ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch VINACAS, nhận xét dù trong ngắn hạn, giá điều thô và điều nhân có thể có biến động, nhưng biên độ không lớn và cần tỉnh táo để thấy rằng, xuất khẩu điều nhân tăng, nhập khẩu điều thô tăng mà hiệu quả kinh doanh vẫn còn khiêm tốn. Diễn biến thị trường cũng không diễn ra như hàng năm, khi những năm trước, thường cuối năm, giao dịch tăng mạnh, còn những năm gần đây, thị trương vẫn im ắng, khách hàng EU rất thận trọng, thị trường Trung Quốc cũng không sôi động.
Những vấn đề này đòi hỏi các DN phải nhạy bén, điều chỉnh để có kế hoạch năm 2020 sao cho phù hợp và sát thực tế. Nếu theo tốc độ hiện nay, năm 2020, có khả năng nhập khẩu 2 triệu tấn điều thô và có thể xuất khẩu trên 500.000 tấn điều nhân. Nhưng cần bám sát thị trường, nhất là về nguồn cung và cầu; cần có sự hợp lực giữa những DN lớn để có đường hướng và kế hoạch cụ thể trong nhập khẩu điều thô và việc cung ứng điều nhân ra thị trường sao cho nhịp nhàng.