Chiều 26-2, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) tổ chức đại hội nhiệm kỳ X (2021-2026), phương hướng hoạt động năm 2022. Đại hội khoá X nhiệm kỳ 2021-2026 đã bầu ông Phạm Văn Công (Chủ tịch khoá IX) tiếp tục được tín nhiệm làm Chủ tịch.
Năm 2021, ngành điều xuất khẩu nhân điều ước đạt 3,65 tỷ USD, tăng 14% giá trị so cùng kỳ năm 2020. Theo kế hoạch sản xuất trồng trọt năm 2022 của Bộ NN-PTNT, tổng diện tích cây điều của cả nước sẽ duy trì ổn định ở mức 305.000 ha, năng suất bình quân đạt 1,25 tấn/ha. Sản lượng điều thô khô dự kiến đạt 370.000 tấn. Năm 2022, ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu nhân điều đạt 3,8 tỷ USD, tăng 3,9% về trị giá so với năm 2021. Về nhập khẩu hạt điều thô nguyên liệu, căn cứ vào nhu cầu chế biến và chiến lược phát triển ngành, dự báo duy trì sản lượng nhập khoảng 2 triệu tấn.
Ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch VINACAS cho biết, năm 2021, Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu nhân điều, chiếm 80% tổng sản lượng nhân điều xuất khẩu của toàn cầu. Tại các thị trường trọng điểm trên thế giới, hạt điều Việt Nam đang giữ thị phần vượt trội (Mỹ và Trung Quốc thị phần 90%, Hà Lan 80%, Đức 60%,...). Tuy nhiên, Việt Nam tiếp tục là quốc gia nhập khẩu điều nhân sơ chế với số lượng lớn từ những quốc gia châu Phi. Ngoài xuất khẩu nhân điều sơ chế qua Việt Nam, các quốc gia châu Phi cũng đã tăng cường xuất khẩu nhân điều trực tiếp đi châu Âu do lợi thế về vị trí địa lý…
Về hạt điều thô, năm 2021 là năm mà Việt Nam có 2 kỷ lục, kỷ lục nhập khẩu lớn nhất từ trước đến nay và kỷ lục nhập khẩu từ Campuchia với trên 1 triệu tấn hạt điều. Theo kết quả này, Việt Nam sẽ khẳng định mình không chỉ là nước cung ứng nhân điều cả về số lượng và chất lượng hàng đầu thế giới, nước có công nghệ, thiết bị chế biến điều tiên tiến nhất thế giới, mà còn là nước có vai trò quan trọng nhất đối với thị trường điều thô toàn cầu.
Từ tình hình thực tế và yêu cầu của sự phát triển, nhiệm kỳ X, VINACAS sẽ xúc tiến xây dựng để kiến nghị với Chính phủ “Chiến lược phát triển ngành điều Việt Nam trong tình hình mới”. Trong đó, đề xuất những cơ chế chính sách của nhà nước nhằm 2 mục tiêu lớn: phát triển mạnh chế biến sâu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường thế giới, giành vị trí xứng đáng trong chuỗi giá trị điều toàn cầu và phát triển mạnh vùng nguyên liệu theo hướng chất lượng, hiệu quả; vừa tạo thế chủ động về nguồn nguyên liệu chất lượng cho chế biến, vừa góp phần thực hiện thành công chính sách tam nông của nhà nước.
Đặc biệt là các vấn đề lớn như: nhân điều nhập khẩu, xuất khẩu máy móc thiết bị chế biến điều, chất lượng điều thô nhập khẩu... Hỗ trợ hội viên, doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cụ thể trong sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Kiến nghị Bộ NN-PTNT để thực hiện các chương trình, dự án về giống, cải tạo vườn điều, quy trình canh tác mới,... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng điều thô. Tiếp tục hỗ trợ ngành điều Campuchia để xây dựng vùng nguyên liệu chiến lược cho ngành điều Việt Nam.