Ngành điện TPHCM xây dựng doanh nghiệp số nâng cao

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, ngành điện TPHCM là một trong những doanh nghiệp nhà nước đầu tiên xây dựng mô hình, mạng lưới khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kết nối số bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Đến nay, Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) đã làm chủ công nghệ, tự động hóa 100% lưới điện; 100% hệ thống công tơ có chức năng đo đếm dữ liệu từ xa được lắp đặt; tổng đài chăm sóc khách hàng thực hiện trên môi trường đa kênh…

Chuyển đổi số trong tất cả hoạt động

Nếu trước đây ngành điện mới chỉ thực hiện giao tiếp với khách hàng khi khách hàng có yêu cầu cần giải đáp, thì từ khi triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), EVNHCMC đã tạo ra sự chủ động trong công tác chăm sóc khách hàng. Cụ thể, khi nhận diện nhiều khách hàng báo mất điện trong cùng thời điểm, AI phát cảnh báo đến công ty điện lực khu vực, giúp xử lý nhanh chóng trường hợp mất điện của khách hàng.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát sản lượng điện bất thường giúp ngành điện và khách hàng nhận được cảnh báo sớm nhất; ngành điện kịp thời kiểm tra, thông báo khách hàng để điều chỉnh, tránh tình trạng hóa đơn tiền điện tăng cao. AI còn giúp phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp sản lượng điện tăng do chạm, chập đường dây sau công tơ, vừa khắc phục tình trạng thất thoát điện cho khách hàng, vừa xử lý nguy cơ tai nạn điện trong nhân dân. Khi nhận diện khách hàng gửi yêu cầu nhiều lần, AI cảnh báo đến Trung tâm chăm sóc khách hàng để chủ động liên lạc và tư vấn phục vụ khách hàng tốt hơn…

Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc EVNHCMC, Trưởng ban chỉ đạo chuyển đổi số (CĐS) EVNHCMC, cho biết, đơn vị đang xếp thứ 47/94 công ty điện lực trên thế giới có lưới điện thông minh và xếp thứ 2 trong khu vực ASEAN (chỉ sau Công ty Điện lực Singapore) và ngang hàng với các Công ty Điện lực Duke (Mỹ), TNB (Malaysia), Western Power (Australia) và Toronto Hydro (Canada). Bên cạnh đó, EVNHCMC là doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước được chứng nhận “Hình thành doanh nghiệp số” từ cuối năm 2022 (mức độ CĐS là 3/5); là 1 trong 2 doanh nghiệp Việt Nam đoạt giải thưởng Doanh nghiệp sáng tạo ASEAN năm 2022; giải thưởng “Dự án lưới điện thông minh - Smart Grid project of the year” tại hội nghị quốc tế ENLIT ASIA 2023 tại Indonesia và nhận bằng khen của Bộ TT-TT; giải thưởng Thương hiệu vàng của UBND TPHCM năm 2024.

XHH-7A.jpg
Ông Nguyễn Văn Thanh (thứ 4, từ trái qua) và ông Phạm Quốc Bảo, Chủ tịch HĐTV EVNHCMC (thứ 4, từ phải qua) chúc mừng Ban chủ nhiệm CLB Đổi mới sáng tạo

Tổng Giám đốc EVNHCMC cho biết, định hướng phát triển của EVNHCMC đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho TPHCM; phát triển ngang tầm các công ty điện lực hàng đầu trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương; phát triển hạ tầng lưới điện thông minh (phấn đấu đạt tốp 40-45 thế giới) phục vụ đề án đô thị thông minh của TPHCM; nâng cao mức độ CĐS doanh nghiệp (đạt mức 4/5 - CĐS nâng cao); đầu tư xây dựng đảm bảo hạ tầng điện đi trước một bước; thực hiện tiêu chí Net Zero vào năm 2050. Cùng với đó là ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) vào tất cả lĩnh vực hoạt động (AI, Big Data, IoT, Machine Learning); triển khai trải nghiệm khách hàng, sẵn sàng cho thị trường bán lẻ điện và quản trị doanh nghiệp theo hướng tiên tiến.

Tập trung vào năng lượng xanh và sạch

Đối với EVNHCMC, xây dựng và thực hiện kế hoạch CĐS có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển từ nay đến năm 2030. Một trong các yêu cầu khi triển khai CĐS là phải đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức trong đội ngũ.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, chương trình CĐS đặt ra yêu cầu mỗi CNVC-LĐ phải có tư duy, cách làm mới, dám nghĩ, dám làm, thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng. Việc cập nhật xu hướng công nghệ mới, tham vấn các đơn vị chuyên trách, chuyên gia để đảm bảo thực hiện đúng định hướng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và mục tiêu của tổng công ty là hết sức cần thiết.

Với nhận thức đó, EVNHCMC đã xây dựng kế hoạch CĐS tập trung vào 5 trụ cột (văn hóa và chiến lược số; gắn kết khách hàng; quy trình và cải tiến; công nghệ; phân tích và quản lý dữ liệu) với 4 trọng tâm (khách hàng; tài sản; người lao động; dữ liệu). Tổng công ty đề ra 6 nhóm nhiệm vụ CĐS xoay quanh các lĩnh vực: chuyển đổi nhận thức và xây dựng văn hóa CĐS; sản xuất; kinh doanh và dịch vụ khách hàng; đầu tư xây dựng; quản trị nội bộ; viễn thông và công nghệ thông tin.

Đặc biệt, EVNHCMC đã tập trung xây dựng đội ngũ nhân lực về khoa học - công nghệ chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống lưới điện thông minh tại TPHCM và quá trình CĐS doanh nghiệp. Hiện tại, EVNHCMC đang có hơn 70 chuyên gia, 260 công nhân lành nghề và hơn 200 kỹ sư ASEAN thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn, trong đó có lưới điện thông minh (Smart Grid), công nghệ thông tin, GIS, AMR/AMI, quản lý vận hành lưới điện và SCADA; quản lý hệ thống điều độ, sửa chữa đường dây mang điện live-line.

Thời gian tới, theo ông Nguyễn Văn Thanh, EVNHCMC sẽ tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch phát triển lưới điện thông minh theo chiều sâu, tập trung vào năng lượng xanh và sạch, thúc đẩy CĐS nâng cao, góp phần cùng thành phố sớm đạt mục tiêu về tối ưu phát thải carbon, qua đó góp phần tích cực hoàn thiện hạ tầng điện thông minh và đảm bảo an ninh năng lượng cho thành phố.

Tin cùng chuyên mục