Đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, thông minh
PHÓNG VIÊN: Qua ghi nhận những ý kiến đóng góp xây dựng của lãnh đạo các địa phương cũng như người dân, ngành điện sẽ tiếp tục có những cải tiến gì, thưa ông?
Đồng chí PHẠM QUỐC BẢO: Hội nghị giữa ngành điện TPHCM với lãnh đạo cấp ủy và chính quyền các địa phương để lắng nghe trực tiếp những góp ý xây dựng của chính quyền địa phương và phản ánh của người dân liên quan đến ngành điện. Qua đó, kịp thời ghi nhận và giải quyết thỏa đáng trong phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm được giao hoặc kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của chính quyền, người dân. Đây cũng là dịp ngành điện trao đổi, đề xuất một số kiến nghị liên quan đến phát triển điện lực và mong nhận được sự quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ của các quận huyện, TP Thủ Đức, tạo điều kiện cho ngành điện tiếp tục phát triển, đảm bảo việc cung cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân trên địa bàn.
Qua ghi nhận những ý kiến đóng góp xây dựng của lãnh đạo các địa phương cũng như người dân, ngành điện TPHCM sẽ tiếp tục cải tiến các dịch vụ điện, thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới của cuộc CMCN 4.0, phát triển hạ tầng lưới điện hiện đại, đồng bộ và thông minh nhằm nâng cao độ tin cậy, đảm bảo yêu cầu cung cấp điện an toàn, đầy đủ và ổn định cho các doanh nghiệp, người dân thành phố.
Ngành điện đã kiến nghị gì với các địa phương để đẩy nhanh các dự án phục vụ việc nâng cao mỹ quan đô thị TPHCM?
Qua các buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương đã hỗ trợ ngành điện giải quyết nhanh các khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý, xây dựng và phối hợp vận động người dân đồng thuận trong công tác di dời, cải tạo, xây dựng mới và triển khai ngầm hóa lưới điện trên địa bàn nhằm nâng cao mỹ quan đô thị. Đề nghị ngành điện phối hợp lắp các hệ thống chiếu sáng năng lượng mặt trời phục vụ chiếu sáng công cộng; mục tiêu tiến tới xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật lưới điện và dây thông tin theo tiêu chuẩn đô thị hiện đại, thông minh để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Song song đó, qua làm việc giữa ngành điện và các địa phương đã tạo cầu nối để cùng phối hợp thực hiện tốt công tác truyền thông, thông tin kịp thời về các hoạt động, dịch vụ, giải pháp của ngành điện như: giá bán điện, các biện pháp sử dụng điện an toàn - tiết kiệm - hiệu quả; sử dụng các dịch vụ điện trực tuyến...
Phát động các chương trình tiết kiệm điện chuyên sâu
Nhiều người bất ngờ khi ngành điện dự tính dừng chương trình thi đua gia đình tiết kiệm điện sau 10 năm triển khai?
Chương trình “Thi đua gia đình tiết kiệm điện” đã triển khai trên địa bàn TPHCM từ năm 2009, đến nay đã hơn 10 năm. Đây là chương trình mà chúng tôi đánh giá rất hiệu quả trong công tác tuyên truyền vận động khách hàng trên địa bàn TPHCM thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện và sử dụng điện an toàn hiệu quả. Hơn 10 năm thực hiện, chương trình không chỉ phát huy hiệu quả trên địa bàn TPHCM mà còn lan tỏa sâu rộng khi nhiều tỉnh thành cả nước cũng tổ chức thực hiện chương trình này.
Trong giai đoạn tiếp theo, EVNHCMC cũng sẽ tiếp tục duy trì thường xuyên, liên tục các chương trình vận động tiết kiệm điện. Riêng chương trình “Thi đua gia đình tiết kiệm điện” hàng năm, chúng tôi đã thống nhất không triển khai nữa để dành nguồn lực cho việc triển khai các chương trình mới. EVNHCMC sẽ triển khai các chương trình mang tính chuyên sâu hơn như: chương trình “Nhà trọ sử dụng năng lượng xanh”; chương trình “Tòa nhà sử dụng năng lượng hiệu quả”… khuyến khích đối tượng khách hàng là chủ nhà trọ cải tạo, nâng cấp các nhà trọ để sử dụng điện tiết kiệm, an toàn; tuyên dương các chủ tòa nhà có sáng kiến, áp dụng công nghệ và giải pháp tiết kiệm năng lượng góp phần cho thành công chung của chương trình tiết kiệm điện trên địa bàn thành phố.
Sẽ đạt 100% khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt
EVNHCMC dự tính cuối năm 2021 sẽ đạt 100% khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt, mục tiêu này liệu có quá sức không, thưa ông?
Nhiều năm qua EVNHCMC không ngừng nỗ lực đẩy mạnh vận động khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đã là 98,68%. Trong quý 1-2021, con số này đã đạt 99%, xác định vẫn còn khoảng 1% khách hàng chưa tiếp cận với hình thức không dùng tiền mặt, EVNHCMC có những giải pháp để khuyến khích khách hàng trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt với nhiều hình thức, như: phối hợp với Hội LHPN huyện Cần Giờ vận động khách hàng cài đặt ứng dụng EVNHCMC_CSKH để thực hiện dịch vụ điện và thanh toán tiền điện; xây dựng video clip hướng dẫn khách hàng thực hiện đăng ký trích nợ tự động tiền điện bằng hình thức online để phối hợp các ngân hàng phổ biến đến khách hàng; mời gọi các chương trình khuyến mãi từ các đối tác là đơn vị cung cấp ví điện tử, ngân hàng để có các giải thưởng, quà tặng cho khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt; trong chuỗi hoạt động tri ân khách hàng kỷ niệm 45 thành lập Sở Quản lý và Phân phối điện (7-8-1976 - 7-8-2021), EVNHCMC sẽ có chương trình đặc biệt nhằm tri ân khách hàng chuyển đổi từ hình thức thanh toán bằng tiền mặt sang không dùng tiền mặt; phối hợp các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone để triển khai thanh toán tiền điện qua kênh mobile money.
Với các giải pháp trên, chúng tôi hy vọng đến cuối năm 2021 tỷ lệ khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tiệm cận 100%.
Ngành điện TPHCM đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu trở thành doanh nghiệp số. Đến thời điểm này, EVNHCMC đã làm được những gì?
Gần 99% khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt là kết quả lớn cho những nỗ lực của ngành điện TPHCM trong chặng đường chuyển đổi số, nâng cao chất lượng cung cấp và dịch vụ điện. Khách hàng có thể đóng tiền điện thông qua dịch vụ trực tuyến tại 23 ngân hàng và 9 đối tác thu hộ của EVNHCMC hoặc bằng các hình thức điện tử. EVNHCMC đã cung cấp 100% dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 với 19/19 loại hình dịch vụ. Kênh tương tác của EVNHCMC với khách hàng cũng đa dạng, phong phú.
Trong công tác quản lý vận hành hệ thống điện, EVNHCMC đã xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm điều khiển được trang bị hệ thống SCADA/DMS hiện đại (là thành phần mang tính cốt lõi/nền tảng của lưới điện thông minh) giúp nâng cao năng lực giám sát, điều khiển và tự động hóa vận hành lưới điện toàn TP. EVNHCMC đã số hóa toàn bộ lưới điện trên nền tảng bản đồ hệ thống thông tin địa lý (GPS); triển khai hệ thống giám sát, điều khiển từ xa cho 100% tuyến dây lưới điện trung thế thông qua hơn 1.700 thiết bị đóng cắt thông minh kết hợp với hạ tầng viễn thông dùng riêng chuyên biệt.
Đồng thời, tổng công ty đã tự nghiên cứu và xây dựng thành công hệ thống điều khiển vận hành tự động hóa hoàn toàn cho khoảng 180 tuyến dây công cộng. Hệ thống này có chức năng tự động phát hiện, tự cô lập sự cố và tái lập cung cấp điện cho các khu vực không bị ảnh hưởng. 100% các trạm biến áp 110/220kV đã được chuyển sang vận hành theo chế độ không người trực, điều khiển từ xa. Năm 2020, tổng công ty cũng đã đưa vào vận hành trung tâm quản lý dữ liệu (Data Center) hiện đại, giữ vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi số của tổng công ty.
Bằng các nỗ lực, EVNHCMC đã vinh dự được nhận giải thưởng về hoạt động ứng dụng CNTT, gồm: danh hiệu “Đơn vị có ứng dụng CNTT-TT tiêu biểu” thuộc giải thưởng CNTT - TT của Sở TT-TT TPHCM năm 2019; giải thưởng “Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc” do Hội Truyền thông số Việt Nam trao tặng năm 2020.
Để đảm bảo sự thành công của quá trình chuyển đổi số, tiết kiệm chi phí và hiệu quả cao nhất, EVNHCMC xác định 4 mục tiêu trọng tâm của chuyển đổi số đến năm 2022 là: Khách hàng làm trung tâm; tài sản làm trung tâm; người lao động làm trung tâm và dữ liệu làm trung tâm