Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết quá trình chuyển đổi số thời gian qua của EVNHCMC đã mang lại lợi ích cũng như gặp phải thách thức ra sao?
Đồng chí Phạm Quốc Bảo: Hiệu quả thấy rõ, trực tiếp của quá trình chuyển đổi số là hợp lý hóa sản xuất - kinh doanh, tăng năng suất lao động, kế đến là nâng cao mức độ hài lòng của khách hàng cũng như cung cấp dịch vụ với chất lượng ngày càng cao và đa dạng, tất cả tạo ra sự thành công bền vững của doanh nghiệp.
Vấn đề hiện tại chúng tôi cần tập trung giải quyết chính là phát triển tiềm năng của nguồn lực nội tại, đòi hỏi luôn phải hoàn thiện vì công nghệ tiến triển rất nhanh và vượt mọi giới hạn. Do đó, EVNHCMC ngoài việc chú trọng đầu tư cho công nghệ mới thì cũng song song đầu tư rất lớn vào nguồn lực con người. Đây là động lực chính cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Quản trị nội bộ, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho việc đưa điện đến người dân, ngành điện thành phố cũng đạt thành tựu rất lớn. EVNHCMC đã áp dụng chuyển đổi số ra sao ở lĩnh vực này?
Ở lĩnh vực quản trị nội bộ thì việc trước tiên mà chúng tôi đã áp dụng nhiều năm là xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản điện tử liên thông, bỏ tất cả các loại giấy tờ để thực hiện triệt để cải cách thủ tục hành chính. Trong vài năm trở lại đây, EVNHCMC đã hoàn tất hệ thống báo cáo điều hành thông minh. Theo đó, tại mỗi cuộc họp điều hành hay tại các thời điểm cần ra quyết định thì tất cả các dữ liệu cần thiết đều được thể hiện trực quan sinh động theo thời gian thực. Việc này đã hỗ trợ các lãnh đạo ra quyết định một cách hiệu quả và kịp thời.
Một điểm mới nữa là chúng tôi vừa mới đưa vào hoạt động hệ thống ứng dụng đổi mới sáng tạo của riêng ngành điện thành phố (App EVNHCMC IH) để kết nối cho tất cả 6.700 người lao động cùng với các chuyên gia, đối tác, nhà cung cấp giải pháp và hệ thống trường đại học. Đặc biệt trong ứng dụng này, chúng tôi đưa ứng dụng ChatGPT đến toàn thể người dùng nội bộ. Tất cả những ý tưởng mới, khó khăn, thách thức trong công việc đều được chia sẻ, giải quyết thông qua ứng dụng này.
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cũng đã đưa vào nhiều ứng dụng chuyển đổi số, bên cạnh những công nghệ mới phục vụ cho đầu tư xây dựng. Chẳng hạn trong công tác khảo sát thiết kế, sử dụng rộng rãi các thiết bị bay không người lái, chụp không ảnh; việc quản lý tiến độ các công trình thì sử dụng phổ biến mô hình 3D…
Đồng chí từng khẳng định việc chuyển đổi số thực chất là quá trình thay đổi về tư duy, nhận ý thức của con người, nhất là từ cấp lãnh đạo. Vậy ở EVNHCMC, điều này đạt kết quả ra sao?
Trước tiên, cần chuyển đổi nhận thức cho toàn bộ cán bộ, nhân viên, người lao động, mà tiên phong là lực lượng đảng viên trong Đảng bộ EVNHCMC. Người đứng đầu các đơn vị phải là nhân tố chính cho quá trình chuyển đổi số. Đảng ủy luôn đồng hành với người lao động, đảng viên trong việc xây dựng, tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn về công nghệ mới, cũng như các vấn đề cốt lõi về chuyển đổi số để người lao động có đủ kỹ năng cần thiết trong giải quyết công việc.
Năm 2023, Đảng bộ EVNHCMC đã xây dựng chủ đề “Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu; quản trị hiệu quả doanh nghiệp số; tiếp tục xây dựng và phát triển lưới điện thông minh; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” với 10 nhiệm vụ trọng tâm. Đến nay, các nhiệm vụ này đều cơ bản hoàn thành và đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là tiếp tục hoàn thiện tổ chức cơ sở Đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh, phát huy mạnh mẽ 5 nguyên tắc tổ chức Đảng. Đồng thời, tạo đột phá trong đầu tư hiện đại hóa lưới điện; đẩy nhanh thực hiện lộ trình xây dựng lưới điện thông minh giai đoạn 2021-2025 theo định hướng nhanh chóng tiệm cận với trình độ phát triển của thế giới.
Hiện nay, nhiều chuyên gia nhận định chuyển đổi số như là chất xúc tác, là giải pháp cho nhiều doanh nghiệp chuyển đổi theo các mô hình xanh, bền vững. Theo đồng chí, EVNHCMC hướng đến “mục tiêu kép” này như thế nào?
Khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thì các doanh nghiệp sẽ phải tăng cường tuân thủ các cam kết về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh mà Chính phủ đã ký kết. EVNHCMC cũng không ngoại lệ. Do đó, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số toàn diện cũng chính là cách tiếp cận ngắn nhất của EVNHCMC hướng đến chuyển đổi mô hình phát triển xanh bền vững và bước đầu chúng tôi đã đạt được những kết quả tích cực. Chẳng hạn, việc EVNHCMC chuyển đổi hình thành doanh nghiệp công nghệ số vào cuối năm 2022 đã giúp cho việc tối ưu hóa các quy trình sản xuất - kinh doanh, điều hành các mặt hoạt động của doanh nghiệp chuẩn xác và hiệu quả. Từ đó, giảm thiểu chi phí, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên thông qua quản trị hiệu quả các yếu tố rủi ro của doanh nghiệp.
Chuyển đổi số còn mang lại lợi ích lâu dài cho cả doanh nghiệp và khách hàng nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng lãng phí tài nguyên, giảm thiểu tiêu hao năng lượng và tác động đến môi trường, đồng thời đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng với việc tạo ra các trải nghiệm trực tuyến nhờ các công nghệ 4.0 như như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, chatbot…