Để chủ động ngăn ngừa cháy nổ và các tai nạn khác do điện gây ra, đồng thời để mọi người hiểu rõ cách sử dụng điện an toàn, thời gian qua, Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức cơ bản cho người dân, nâng cao ý thức cảnh giác, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao. PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Luân Quốc Hưng - Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC xung quanh vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, TPHCM đã liên tục kiểm tra các khu vực có nguy cơ cháy nổ cao và tại các hộ gia đình. Vậy kết quả kiểm tra như thế nào?
Ông LUÂN QUỐC HƯNG: Theo Luật Điện lực, khách hàng mua điện có trách nhiệm đảm bảo về an toàn điện sau công tơ. Tuy nhiên, từ góc độ trách nhiệm xã hội của đơn vị cung cấp điện, EVNHCMC thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn trong cộng đồng.
Hàng năm, EVNHCMC triển khai công tác khảo sát, tư vấn an toàn sử dụng điện cho các hộ gia đình, các nhà ở hộ gia đình kết hợp kinh doanh, sản xuất tại các khu vực có nguy cơ cháy nổ cao. Trong 10 tháng đầu năm 2022, EVNHCMC đã thực hiện tư vấn được 88.123 hộ gia đình (vượt 122,39% kế hoạch hàng năm đề ra là 72.000 hộ/năm); đã phát đến hộ sử dụng điện bao gồm nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất, tổng cộng 93.772 quyển Cẩm nang sử dụng điện an toàn, 80.760 quyển Sổ tay PCCC điện gia đình, 32.049 quyển Sổ tay PCCC điện cơ sở, sản xuất kinh doanh và công sở.
Qua công tác khảo sát tư vấn an toàn sử dụng điện, EVNHCMC đã ghi nhận những lỗi phổ biến như: hệ thống điện trong nhà không đảm bảo an toàn, dây dẫn bị quá tải; Các mối nối không đúng kỹ thuật, không đảm bảo an toàn; để thiết bị điện phát nhiệt gần vật dễ cháy nổ, không ngắt thiết bị điện khi không sử dụng, sử dụng thiết bị điện kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng chung một ổ cắm điện cho nhiều thiết bị điện dẫn đến nguy cơ gây quá tải…
Bên cạnh công tác tuyên truyền, hàng năm Đoàn Thanh niên EVNHCMC phối hợp cùng các Đoàn Thanh niên đơn vị bạn thực hiện các công trình an toàn điện. Năm 2022, Đoàn Thanh niên thực hiện nhiều công trình, như: bó gọn hệ thống lưới điện, cáp thông tin và hỗ trợ lắp các bộ đèn chiếu sáng dân lập cho 21 tuyến hẻm tại các quận, huyện và TP Thủ Đức; tập huấn kiến thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm tại 15 điểm trường trên địa bàn thành phố; cải tạo, sửa chữa hệ thống điện cho hơn 95 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố; lắp đặt 4 hệ thống điện năng lượng mặt trời cho Nhà Thiếu nhi quận Bình Tân, Nhà Thiếu nhi quận 8, Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè - quận Bình Thạnh, Trung tâm sinh hoạt cộng đồng ấp Doi Mỹ Khánh - huyện Cần Giờ.
Từ thực tế nêu trên, EVNHCMC có giải pháp khắc phục tình trạng sử dụng điện không an toàn như thế nào?
Khi thực hiện công tác khảo sát an toàn điện tại các hộ dân, các công ty điện lực đều tư vấn ngay cho người dân khắc phục các trường hợp mất an toàn trong sử dụng điện, đồng thời báo cáo với chính quyền địa phương để theo dõi kết quả khắc phục. Đơn vị chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để cùng ngành điện phổ biến, tuyên truyền về an toàn trong sử dụng điện trong khu dân cư, đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, các khu vui chơi giải trí, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.
Thực hiện công tác tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang web, trang tin của tổng công ty trên Facebook và Zalo. Đồng thời, chúng tôi cũng tăng cường phối hợp theo kế hoạch của thành phố, các quận huyện, TP Thủ Đức (Đội Cảnh sát PCCC-CNCH) kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và an toàn sử dụng điện các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao.
Để hạn chế các sự cố cháy nổ do điện, Tổng công ty đã có những giải pháp gì?
Để chủ động phòng, chống lụt bão, úng, dông lốc và hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do thiên tai gây ra, EVNHCMC đã tiến hành kiểm tra hành lang lưới điện cao áp, rà soát toàn bộ khu vực trũng thấp có nguy cơ ngập úng khi mưa to. Thực hiện cải tạo, nâng cao tủ điện, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời những hư hỏng.
Đồng thời, EVNHCMC phối hợp các ngành có liên quan, UBND các quận, huyện liên tục kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống cung cấp điện, bổ sung công suất điện cho các trạm bơm mới được nâng cấp; xây dựng kế hoạch đảm bảo cung cấp điện theo yêu cầu bơm tiêu thoát nước khi úng ngập xảy ra.
Đặc biệt trước mùa mưa bão, EVNHCMC đã cho tăng cường kiểm tra, rà soát, nhất là các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan để kịp thời xử lý. Chủ động tổ chức kiểm tra, phối hợp với các khu quản lý đô thị, công ty công viên cây xanh mé nhánh, tỉa cành các cây xanh có thể tác động đến lưới điện; bảng quảng cáo, lều, lán… có khả năng ngã đổ, bay vào đường dây, trạm biến áp. Lập phương án ứng phó khi có cây ngã, đổ vào đường dây cao áp đảm bảo cung cấp điện các tuyến dây trọng yếu của từng quận/huyện.
Khi có sự cố trên lưới điện do các tình huống thiên tai, chủ động cắt điện để phòng tránh sự cố, phải đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân và công nhân thực hiện nhiệm vụ. Ngay sau đó, chủ động phối hợp và hỗ trợ khách hàng trong công tác tái lập điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, EVNHCMC đang tiếp tục thực hiện chương trình hiện đại hóa và ngầm hóa lưới điện. Chương trình này sẽ góp phần nâng cao chất lượng an toàn điện, độ tin cậy cung cấp điện và giảm tối đa tác động từ các yếu tố bên ngoài cũng như ảnh hưởng của thời tiết.
Ngành điện cũng tổ chức lực lượng ứng trực, chuẩn bị tốt hệ thống thông tin liên lạc, vật tư dự phòng. Tổng công ty đã yêu cầu thủ trưởng, người đứng đầu các đơn vị quán triệt không để xảy ra tư tưởng chủ quan, lơ là đối với công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai. Các đơn vị phát huy tốt phương châm “bốn tại chỗ” và nguyên tắc “ba sẵn sàng” trong việc chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư để sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra, sự cố bất ngờ.
Từ một số vụ cháy gần đây, dư luận lo ngại các bảng hiệu điện tử tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ...
Các bảng quảng cáo thường đặt ngoài trời, trong quá trình sử dụng thiếu kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng; hệ thống điện của bảng quảng cáo không lắp đặt thiết bị bảo vệ chống quá tải, chống ngắn mạch, chống giật; các dây dẫn điện không đi trong ống bảo vệ, các mối nối không đúng kỹ thuật, không được bọc cách điện nên trong quá trình sử dụng lâu ngày các dây dẫn bị bong tróc lớp cách điện làm chạm chập rò điện gây sự cố, tai nạn.
Các bảng hiệu, bảng quảng cáo phải được đơn vị chức năng thiết kế và lắp đặt. Bảng hiệu, bảng quảng cáo được đặt ngoài trời nên các thiết bị điện dùng cho quảng cáo phải là thiết điện sử dụng ngoài trời, có khả năng chịu được môi trường nắng nóng, ẩm ướt. Các bảng quảng cáo phải có hệ thống bảo vệ quá tải như aptomat, thiết bị chống giật, các kết cấu kim loại của bảng quảng cáo cần được nối đất.
Chủ sở hữu bảng hiệu, bảng quảng cáo phải thường xuyên kiểm tra hệ thống điện của bảng quảng cáo để phát hiện kịp thời các nguy cơ hư hỏng, rò điện gây chạm chập gây cháy, gây tai nạn. Ngoài ra khi lắp đặt bảng hiệu, bảng quảng cáo gần công trình lưới điện phải thông báo với đơn vị quản lý lưới điện để được hướng dẫn an toàn trong quá trình thi công, lắp đặt.