Doanh thu tăng cao so với kế hoạch và đơn hàng dồi dào nhờ tận dụng tốt các hiệp định thương mại, dự kiến, cả năm 2018 ngành dệt may xuất khẩu đạt 35 tỷ USD, bỏ xa con số hơn 31 tỷ USD trong năm 2017. Đây là tin vui cũng là động lực đưa ngành dệt may về đích sớm năm nay.
Sẵn sàng đơn hàng năm 2019
Ghi nhận thực tế tại khu vực TPHCM vào thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiêp (DN) dệt may đang gấp rút hoàn thành các đơn hàng đã ký trong năm 2018 để kịp giao đúng tiến độ cho đối tác khi thời gian chỉ còn lại không còn nhiều. Các DN cũng đang bận rộn đàm phán, ký kết xong đơn hàng cho 6 tháng, thậm chí cả năm 2019.
“Hoạt động kinh doanh, xuất khẩu dệt may của các DN trong năm 2018 rất tích cực. Các DN đang gấp rút hoàn thành những đơn hàng đã ký, đồng thời ký kết các đơn hàng mới cho năm tới. Đây là tín hiệu vui, cho thấy họ đã thích ứng tốt với sự biến động của kinh tế thị trường cũng như hướng tới phát triển bền vững ngành này”, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM (Agteck) Phạm Xuân Hồng phấn khởi nói.
May sản phẩm tại Công ty May Phương Đông. Ảnh: Cao Thăng
Tại Công ty TNHH May mặc Thành Đạt (đường Lê Văn Khương, quận 12, TPHCM), không khí lao động trong những ngày này hết sức khẩn trương. Hơn 200 công nhân miệt mài làm việc, hàng hóa chất thành đống cao vượt đầu người.
“So với những năm trước, năm nay đơn hàng của công ty về nhiều hơn nhờ khách hàng mới tăng lên và khách hàng cũ quay lại. Do vậy, công ty đã mở rộng đầu tư thêm một xưởng mới tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc để đảm bảo thực hiện các đơn hàng đã ký kết cho năm 2019. Đơn hàng dồi dào nhưng những khách hàng như Mỹ, châu Âu… rất khó tính, nên DN phải có kinh nghiệm, đảm bảo chất lượng, tiến độ giao hàng thì mới chinh phục được họ. Đây cũng là lý do vì sao thời gian gần đây ngành dệt may có nhiều DN ăn nên làm ra nhưng cũng có DN phải đóng cửa”, đại diện Công ty TNHH May mặc Thành Đạt chia sẻ.
Tương tự, đại diện Tổng công ty May 28 cũng cho biết, dự kiến doanh thu cả năm 2018 đạt 110% so với kế hoạch năm và tăng 120% so với thực hiện cùng kỳ 2017. Hiện lượng đơn hàng của nhiều đơn vị, công ty con của DN đã đàm phán và ký xong đơn hàng cho 6 tháng đầu năm, thậm chí cả năm 2019.
Hay tại Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (GMC), cũng đang hoạt động hết công suất, không nhận thêm đơn hàng mới. “Có khách hàng truyền thống của GMC muốn gia tăng đơn hàng khoảng 20% nhưng GMC cũng phải cân nhắc, bởi câu chuyện còn nằm ở nhà xưởng, nhân công và tay nghề”, đại diện GMC cho hay.
Dự kiến năm 2018, doanh số kế hoạch của GMC là 1.900 tỷ đồng. Theo giải thích của GMC về việc từ chối nhận thêm đơn hàng, là bởi nếu chỉ đầu tư máy móc thì rất dễ, nhưng dệt may là ngành thâm dụng lao động. Nếu đơn hàng gia tăng, trước mắt, DN sẽ phải cạnh tranh về thu hút lao động, đẩy chi phí tăng lên, nên DN chưa dám mạo hiểm.
Thích ứng với công nghiệp 4.0
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), với tín hiệu thị trường như hiện nay, ngành dệt may có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 35 tỷ USD vào cuối năm nay (năm 2017 đạt trên 31 tỷ USD).
Còn các chuyên gia trong ngành đưa ra nhận định, sản xuất lẫn xuất khẩu dệt may của DN trong nước trong năm 2019 sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, vì Việt Nam đang trở thành trung tâm xuất khẩu dệt may của thế giới.
Dệt tại Công ty dệt Sài Gòn. Ảnh: CAO THĂNG
Các thương hiệu lớn đang đổ đơn hàng về Việt Nam nhằm hưởng các ưu đãi thuế quan mà Việt Nam đang và sẽ được hưởng theo các hiệp định thương mại. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng hấp dẫn hơn đối với các khách hàng nhờ năng lực cạnh tranh (như chất lượng, giá cả, dịch vụ rất cải thiện so với Trung Quốc) và tiềm năng hoàn chỉnh chuỗi cung ứng dệt may (do dòng vốn đầu tư vào công nghiệp dệt nhuộm và nguyên phụ liệu đang tăng lên).
Mặc dù khá thuận lợi khi đơn hàng dồi dào, nhưng các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo về thách thức đối với ngành dệt may trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đó là việc chuyển từ sản xuất gia công (CMT) sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm (FOB), sản xuất theo thiết kế và thương hiệu riêng (ODM và OBM) với mong muốn mang lại giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng có tác động lớn đến ngành dệt may, buộc phải thay đổi và đầu tư mạnh mẽ hơn cho thiết bị cũng như nhân sự.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, hiện nay hàng dệt may của Việt Nam vẫn đang gặp sự cạnh tranh gay gắt từ Bangladesh, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Myanmar. Do vậy, các DN cần nâng cao năng lực cạnh tranh để chiếm lĩnh được cơ hội, đứng vững trong thị trường đầy biến động.
Ngoài ra, còn có rủi ro phía Mỹ sẽ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu của sản phẩm may mặc nhập khẩu từ các quốc gia khác và áp thuế bổ sung nếu sản phẩm may mặc từ quốc gia đó có nguồn gốc nguyên liệu từ Trung Quốc.
Hàng may mặc Việt Nam sẽ là đối tượng được đưa vào tầm ngắm soát xét nhiều nhất, vì Việt Nam là nước láng giềng của Trung Quốc. Do đó, ngay từ bây giờ, các DN nên tăng cường chuyển hướng sử dụng nguyên liệu từ nguồn trong nước và các nước khác, thay vì chủ yếu dựa vào nguồn từ Trung Quốc.
Bên cạnh tín hiệu lạc quan từ thị trường, các DN trong ngành dệt may cũng đã có những chiến lược riêng để đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu cũng như doanh thu nội địa trong năm 2019. Đơn cử, Tổng công ty Phong Phú vừa đầu tư hàng tỷ đồng để mở 2 phòng trưng bày rộng hơn 1.200m2, nhằm giới thiệu sản phẩm khăn bông và các sản phẩm jeans cao cấp. Còn Công ty Sợi Thế Kỷ (STK), dự kiến cả năm 2018 doanh thu bán hàng đạt khoảng 2.354 tỷ đồng. Năm 2019, song song với gia tăng xuất khẩu, STK dự kiến sẽ bán nhiều hơn ở thị trường nội địa, góp phần thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam.