Ngành dệt may và cơ hội nâng tầm cao mới

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) dệt may trước những thách thức đến từ hội nhập cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, TPHCM đang có những giải pháp tích cực để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN phát triển, nâng tầm cao mới. 
May áo sơ mi xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TPHCM Ảnh: THÀNH TRÍ
May áo sơ mi xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TPHCM Ảnh: THÀNH TRÍ

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) dệt may trước những thách thức đến từ hội nhập cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, TPHCM đang có những giải pháp tích cực để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN phát triển, nâng tầm cao mới. 

Nâng cao giá trị gia tăng

Theo Sở Công thương TPHCM, hiện trên địa bàn có khoảng 4.141 DN dệt may hoạt động. Năm 2017, ngành dệt may chiếm tỷ trọng 13,34% giá trị sản xuất toàn ngành, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,3 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu dệt may của thành phố đạt gần 2,6 tỷ USD, chiếm 17,2% trong tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của thành phố, tăng 2,8% so với năm 2017. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của dệt may thành phố là Mỹ, Anh, Nhật Bản, Canada và Hàn Quốc. Các số liệu trên cho thấy, DN dệt may đã ngày càng chủ động nhất là về nguyên liệu, giảm dần phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Sự tăng trưởng của ngành dệt may TPHCM đã tạo động lực giúp các DN mở rộng quy mô sản xuất cũng như mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại để bắt kịp xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, có nhiều DN được đánh giá cao như  Thắng Lợi, Phong Phú, Thành Công, Việt Tiến...

Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM Phạm Xuân Hồng cho biết, dệt may luôn được đánh giá là ngành có lợi thế xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay các DN cũng đang gặp phải những khó khăn nhất định. Chẳng hạn như nguồn nhân lực yếu, công nghệ lạc hậu, thiếu nguồn nguyên liệu. Trong bối cảnh hiện nay, các DN dệt may TPHCM sẽ phải không ngừng tự hoàn thiện mình, thu hẹp khoảng cách với các DN dệt may thế giới để đáp ứng xu thế hợp tác thời nay là cạnh tranh công bằng và bình đẳng thông qua các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. “Muốn hội nhập, các DN cần lựa chọn thiết bị từ các nước công nghiệp tiên tiến, công nghệ mới nhằm tăng dần tỷ lệ nội địa hóa và có thêm nguồn nguyên - phụ liệu; chủ động đáp ứng nhu cầu khách mua hàng nước ngoài, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm”, ông Phạm Xuân Hồng đề nghị. Để hỗ trợ DN, Hội Dệt may thêu đan TPHCM cũng đang có nhiều hoạt động thiết thực như tổ chức các hội thảo, khóa huấn luyện nghiệp vụ chuyên ngành cho cán bộ kỹ thuật, quản lý sản xuất của các DN. Ban chấp hành Hội Dệt may thêu đan TPHCM  luôn gắn kết các DN hội viên trong việc hợp tác, liên kết và hội nhập với các tổ chức quốc tế.

Hình thành trung tâm thời trang
 

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay cạnh tranh trong ngành dệt may rất gay gắt, quá trình hội nhập ngày càng sâu và toàn diện đem đến nhiều cơ hội phát triển thị trường, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị dệt may cho các DN dệt may Việt Nam, nhưng đồng thời cũng tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn đối với các DN. Mức độ cạnh tranh được dự báo sẽ gay gắt hơn trong bối cảnh tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực dệt may và công nghệ thông tin tạo ra những thay đổi nhanh chóng về phương thức sản xuất và cung ứng sản phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng. Do vậy, DN muốn tồn tại phải tăng năng suất lao động, đầu tư chiều sâu vào kỹ thuật, công nghệ mới. Áp dụng công nghệ để hướng vào khâu thiết kế thời trang chứ không chỉ dừng lại ở việc gia công. Mặt khác, việc phát triển các nhà máy thông minh, ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất có thể bắt nguồn từ những ý tưởng và nguồn nhân lực sẵn có trong các nhà máy thông thường. Để phát huy sức sáng tạo này, cơ quan nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về đào tạo với những chương trình phù hợp trong bối cảnh công nghệ hiện đại. Nhà nước cần tiếp tục đóng vai trò “bà đỡ” tháo gỡ những vướng mắc về cơ sở hạ tầng; hỗ trợ đào tạo nghề, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ trong khâu sản xuất mà còn ở cấp quản lý DN. Bản thân các DN cần giảm bớt chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tổ chức lại sản xuất. 

Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, trước yêu cầu phát triển mới, nhất là Việt Nam đang trong quá trình  hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới thông qua các hiệp định thương mại song phương và đa phương, ngành dệt may TP phải nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh. DN cần chủ động, sáng tạo không ngừng để đổi mới không chỉ đáp ứng tốt ở thị trường trong nước mà còn đẩy mạnh hơn nữa việc xuất khẩu sang thị trường quốc tế, khẳng định uy tín, thương hiệu của ngành dệt may  bằng việc triển khai có hiệu quả các giải pháp để chủ động nguồn nguyên liệu, giảm tỷ lệ hao phí trong quá trình sản xuất, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường mối liên kết giữa các DN. Về phía TPHCM, để hỗ trợ cho DN nói chung và DN dệt may nói riêng phát triển, thời gian qua TP đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ như chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; hỗ trợ lãi vay cho DN thông qua chương trình kích cầu đầu tư; tổ chức hội nghị gặp gỡ định kỳ hàng năm giữa lãnh đạo thành phố với các DN; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm, mở rộng cơ hội đầu tư cho DN tại thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, TP cũng đang xúc tiến thành lập trung tâm thời trang với định hướng phát triển phân khúc có giá trị gia tăng cao, chú trọng các họat động giao dịch nguyên - phụ liệu, thiết kế, khu trưng bày sản phẩm... và hướng đến đào tạo về lĩnh vực thời trang, tạo sân chơi cho các nhà thiết kế, nơi giao dịch của ngành thời trang sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của ngành dệt may TP.

Tin cùng chuyên mục