Xuất khẩu… tuột dốc
Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ước tính đến hết tháng 9-2023, xuất khẩu dệt may cả nước đạt khoảng 29,7 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. Những rào cản mới từ thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường Hoa Kỳ và châu Âu vẫn tiếp tục là vấn đề nan giải của doanh nghiệp (DN). Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, thị trường Hoa Kỳ tuy mới áp dụng tiêu chuẩn xanh trong năm nay, nhưng đã khiến cho gần 80% DN xuất khẩu dệt may của Việt Nam gặp khó.
Tình trạng này còn nghiêm trọng hơn tại thị trường châu Âu, vốn đã áp dụng rào cản xanh hơn 3 năm qua. Với quy định mới đây nhất là DN xuất khẩu dệt may vào thị trường châu Âu phải có dây chuyền công nghệ sản xuất đạt được chứng nhận tiêu chuẩn “eco tech” (công nghệ xanh), đã trực tiếp loại bỏ khoảng 90% DN dệt may xuất khẩu Việt Nam. Trường hợp DN không thể cải thiện dây chuyền sản xuất theo tiêu chuẩn trên, thị trường châu Âu vẫn chấp nhận cho phép xuất khẩu nhưng phải chịu thêm thuế carbon, điều này dẫn tới DN khó cạnh tranh về giá!
Ghi nhận thực tế, trong 7 tháng đầu năm 2023, dệt may xuất khẩu vào thị trường châu Âu đạt 2,3 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ. Bước sang tháng 8-2023, xuất khẩu giảm mạnh hơn khi chỉ đạt 330 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ và tháng 9-2023 tiếp tục giảm sâu hơn khi đơn hàng từ các nhãn thời trang lớn trên toàn cầu như Decathlon, Nike, Adidas… sụt giảm.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jean nói, để đáp ứng tiêu chuẩn xanh không phải dễ. Muốn đầu tư dây chuyền sản xuất dệt may tự động, DN chỉ cần khoảng 1 triệu USD. Thế nhưng cũng với quy mô đó, nếu đầu tư dây chuyền sản xuất có tiêu chuẩn “eco tech”, vốn đầu tư đòi hỏi phải tăng lên 12 lần. Đây là nguyên nhân chính khiến cho DN Việt “hụt hơi” trong cuộc đua chuyển đổi xanh.
Phải có giải pháp tổng thể
Theo các chuyên gia, với thực trạng nêu trên, mục tiêu ngành dệt may kỳ vọng có thể thu về trong năm nay khoảng 48 tỷ USD là khó đạt được. Thống kê từ Vitas, tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã có khoảng 3.000 DN dệt may phải ngừng hoạt động, tập trung ở các DN có quy mô sản xuất nhỏ (khoảng trên dưới 200 công nhân lao động). Riêng với các DN có quy mô lớn, đã có chuyển đổi nhanh công nghệ sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn xanh thì lại gặp khó khăn do sụt giảm đơn hàng.
Dây chuyền gia công sản phẩm tại Nhà máy công ty thời trang Nguyên Dung (quận 12, TPHCM). Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Đặc biệt, hiện nay ngành dệt may Việt Nam đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của sản phẩm đến từ các nước như Campuchia, Bangladesh. “Trung bình chi phí nhân công lao động, thuê đất của DN Việt Nam chiếm 32%/giá thành sản phẩm dệt may, trong khi chi phí này tại Campuchia và Bangladesh chỉ chiếm 12%/giá thành”, một chuyên gia ngành dệt may chia sẻ.
Doanh nghiệp dệt may đang đứng trước bước ngoặt cần phải chuyển đổi để tồn tại và phát triển. Ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho biết, người tiêu dùng toàn cầu ngày càng ưa chuộng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Thực tế này đã đặt DN Việt Nam đối mặt với thách thức phải chuyển đổi mô hình thành chuỗi cung ứng xanh.
Để giải quyết những khó khăn này, DN Việt Nam cần đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn xanh thông qua việc áp dụng các quy định về môi trường nghiêm ngặt hơn, đầu tư nhiều vào nghiên cứu, phát triển và cải tiến hạ tầng sản xuất kết hợp đào tạo nguồn nhân lực.
Dưới góc độ DN, ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jean, cho rằng, Chính phủ và địa phương cần thúc đẩy chính sách hỗ trợ vốn phù hợp và thiết thực hơn. Trước mắt, trong giai đoạn DN dồn sức để tái đầu tư cho công nghệ, Nhà nước phải giảm mức thuế thu nhập DN còn khoảng 10%, đồng thời đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi.
“Vitas sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Công thương, tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài tăng cường hoạt động xúc tiến giao thương, kết nối trực tiếp DN trong nước với nhà thu mua, các nhãn hàng thời trang toàn cầu để gia tăng đơn hàng, mở rộng thị phần, tìm kiếm cơ hội khai thác thêm thị trường mới. Song song đó, kết nối các tổ chức liên quan để hỗ trợ DN dệt may chuyển đổi xanh như sử dụng năng lượng sạch, áp dụng giải pháp tái chế, thực hiện chuyển đổi số, phát triển thương hiệu… Đây sẽ là những giải pháp đồng bộ để DN nhanh chóng bắt nhịp xu hướng xanh, xu hướng tiêu dùng mới trên toàn cầu, phục hồi năng lực sản xuất và cạnh tranh”, ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.
Khoảng 10% DN có kết quả kinh doanh tốt
Tại Công ty CP Sài Gòn 3, từ đầu năm đến nay vẫn duy trì sản xuất ổn định, phần lớn đơn hàng đến từ thị trường Nhật Bản. Đặc biệt, 3 năm qua, công ty đã thiết lập thêm kênh xuất khẩu gián tiếp thông qua một số thương hiệu thời trang toàn cầu đang hoạt động tại Việt Nam nên giảm được những tác động tiêu cực từ biến động thị trường. Đại diện DN dệt may lớn của tỉnh Đồng Nai cho biết, 2 tháng nay đơn hàng sản xuất đi thị trường Hoa Kỳ và khu vực châu Âu đã tăng trở lại… Theo Vitas, tình hình DN hoạt động khả quan như vậy chỉ chiếm khoảng 10%.