Khó khăn kép
Phân tích từ tình hình thị trường quốc tế, các chuyên gia kinh tế nhận định, những bất ổn liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã dẫn đến hàng loạt sản phẩm may mặc của Trung Quốc bị áp thuế xuất khẩu. Đơn cử, Mỹ sẽ tăng mức thuế bổ sung từ 25% (hiện đang áp với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc) lên 30%, từ ngày 1-10 tới. Trước đó, Mỹ cũng đã nâng thuế nhập khẩu với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc từ 10% lên 25%. Riêng lĩnh vực dệt may, từ ngày 1-9, những mặt hàng như sợi, vải, hàng may mặc, sản phẩm dệt có nguy cơ bị áp thuế nhập khẩu bổ sung 10% - 25%.
Từ góc độ này có thể thấy hàng xuất khẩu dệt may Việt Nam có lợi hơn trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhìn nhận trên tổng quan thì hoàn toàn không phải như vậy. Hiện để có thể ứng phó với tình hình trên, Trung Quốc đã chọn giải pháp phá giá đồng nhân dân tệ (CNY). Đây được coi là một trong những biện pháp Trung Quốc sử dụng để giúp hàng hóa xuất khẩu của nước này rẻ hơn so với các nước khác, giúp gia tăng nội lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước, cũng như để bù đắp một phần thiệt hại do Mỹ tăng thuế nhập khẩu.
Thực tế này đã tác động không nhỏ để hoạt động dệt may, nhất là lĩnh vực xuất khẩu sơ sợi của Việt Nam. Hiện thị trường xuất khẩu sợi của Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc; thế nhưng, để sản xuất sợi thì phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu bông từ Hoa Kỳ. Sự chênh lệch trong tỷ giá ngoại tệ giữa đồng USD và CNY đã khiến giá xuất khẩu sợi tăng mạnh.
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, chỉ tính từ cuối năm 2018 đến nay, giá sợi xuất khẩu đã tăng thêm gần 30 cent/kg. Riêng những trường hợp ký hợp đồng xuất khẩu sợi sang Trung Quốc nhưng tính theo đồng CNY còn bị thiệt hại kép do giá bán vừa bị ép giảm theo thị trường vừa bị thiệt hại do đồng CNY mất giá.
Nhiều doanh nghiệp dệt may cho rằng, không những chịu thiệt hại về hợp đồng xuất khẩu mà còn bị gia tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Hiện hàng loạt quốc gia vốn đang là đối thủ cạnh tranh thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam như Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan… cũng đang đồng loạt phá giá mạnh biên độ đồng nội tệ. Đơn cử, đồng rupee của Ấn Độ giảm 8,62%, đồng rupee Pakistan giảm 14,4%, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm 38,27%... Không dừng lại đó, các nước này còn có lợi thế khác là hiện nay phí nhân công lao động rẻ hơn rất nhiều so với Việt Nam.
Dịch chuyển sản xuất, giảm áp lực cạnh tranh
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dệt may Việt Nam, nhận định trong ngắn hạn từ nay đến cuối năm 2019, những khó khăn mà ngành sợi gặp phải chưa thể giải quyết ngay được. Do vậy, doanh nghiệp trong ngành dệt may cần có sự chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác. Ngoài ra, tăng cường sản xuất nội địa để tạo nguồn vải nguyên liệu, cung ứng cho doanh nghiệp may mặc, giúp giảm phụ thuộc nguồn vải nhập khẩu nước ngoài.
Ở góc độ khác, các chuyên gia kinh tế cho rằng, ngành dệt may Việt Nam vẫn sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD trong năm 2019, bởi giá trị kim ngạch xuất khẩu sợi không nhiều. Mặt khác, những lợi thế mà ngành dệt may đang được hưởng từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, Á - Âu, EVFTA… cũng đủ bù đắp cho sự thiếu hụt giá trị kim ngạch xuất khẩu từ ngành sợi.
Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương, cho rằng để có thể tận dụng tối đa lợi thế xuất khẩu hàng hóa Việt Nam nói chung và dệt may nói riêng, các doanh nghiệp cần đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi đầu tư để vừa đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, bao bì, nhãn mác vừa đáp ứng rào cản về môi trường mà các thị trường nhập khẩu đề ra. Những rào cản này sẽ ngày càng chặt chẽ và khắt nghiệt hơn. Xa hơn nữa, doanh nghiệp cần tính đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm Việt khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Có thể thấy, hiện sản phẩm Việt nói chung đang chiếm những ưu thế trên thị trường quốc tế do được người tiêu dùng toàn cầu ưa chuộng. Điều này xuất phát từ việc một số doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi từ xuất khẩu thô sang xuất khẩu tinh và xuất khẩu sản phẩm có thương hiệu đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Về phía Bộ Công thương đã làm việc với các nước nhập khẩu hàng Việt, thực hiện giải pháp đồng chứng nhận bảo hộ thương hiệu sản phẩm cho các doanh nghiệp trong nước. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã chủ động kết nối với các tham tán thương mại ở nước ngoài để kịp thời nắm bắt thị hiếu, xu hướng tiêu dùng của thế giới; từ đó có sự chuyển đổi sản xuất được chủ động và kịp thời hơn.
Riêng với lĩnh vực dệt may, bước đầu đã có sự chuyển đổi từ gia công đơn thuần sang gia công sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao, đa chi tiết và chi tiết khó. Một số doanh nghiệp có nội lực như Việt Tiến, An Phước, Phong Phú… đã chuyển đổi sang thiết kế, sản xuất và xuất khẩu sản phẩm mang thương hiệu riêng của mình. Thậm chí, Công ty cổ phần May Việt Tiến còn thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng thương hiệu cho một số hệ thống may mặc lớn trên thế giới. Cách làm này đã giúp giảm rất lớn sức ép cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Đây cũng được xem là sự khởi đầu chuyển hướng tích cực cho ngành dệt may Việt Nam nói chung.