Ngành dầu khí toàn cầu chuyển mình

Trong một báo cáo phân tích vừa công bố, hãng dịch vụ tài chính Goldman Sachs cho biết, nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu sẽ tăng 80% vào năm 2030, nhờ các dự án mới ở Qatar và Bắc Mỹ.

Mức tăng này sẽ chấm dứt cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay do cuộc xung đột Nga - Ukraine gây ra, đồng thời Goldman Sachs nhận định đầu tư vào lĩnh vực LNG dự kiến sẽ tăng hơn 50% vào năm 2029.

Vào tháng 1, Công ty năng lượng quốc doanh QatarEnergy của Qatar đã ký một thỏa thuận với Công ty Execelerate Energy của Mỹ để cung cấp 1 triệu tấn LNG mỗi năm cho Bangladesh trong 15 năm. Tháng 2, QatarEnergy cũng ký một thỏa thuận khác với Công ty dầu khí Petronet của Ấn Độ để cung cấp 7,5 triệu tấn LNG mỗi năm cho quốc gia Nam Á này trong 20 năm. Cũng trong tháng 2, Tổng Giám đốc QatarEnergy Saad Al-Kaabi đã công bố một kế hoạch mới nhằm tăng sản lượng LNG tại mỏ North Field.

Theo kế hoạch, sản lượng khí đốt của mỏ này sẽ tăng thêm 16 triệu tấn, lên 142 triệu tấn/năm. Chuyên gia Michele Della Vigna, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên của Goldman Sachs ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi, nhận định tăng trưởng công suất sản xuất LNG sẽ chấm dứt các cuộc khủng hoảng năng lượng vốn xuất hiện từ vài năm trước, sau các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với khí đốt của Nga, và giúp hạ nhiệt giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu và châu Á.

Ngành dầu khí toàn cầu đang trải qua một sự chuyển đổi lớn khi nhu cầu dầu thô đứng trước triển vọng suy giảm dài hạn, trong khi nhu cầu khí đốt tự nhiên của thế giới ngày càng gia tăng. Theo tờ Bloomberg, làn sóng lớn nhất từ ​​trước đến nay của các siêu dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng sắp bùng nổ. Sự chuyển động này thể hiện niềm tin rằng nhu cầu về khí đốt, đặc biệt là ở châu Á, sẽ tiếp tục tăng ngay cả khi thế giới chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo.

Vẫn theo Goldman Sachs, có khả năng chi tiêu vốn trong ngành dầu khí sẽ chững lại ở mức khoảng 4%/năm trong giai đoạn từ năm 2023-2026. Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể duy trì chính sách sản lượng hiện nay trong vài năm nữa.

Tin cùng chuyên mục