Ngành công thương Vượt khó thành công

Năm 2020 khép lại với quá nhiều khó khăn, thách thức không chỉ với các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh mà ngay cả các bộ ngành chức năng cũng đối mặt với nhiều biến động từ hàng hóa, giá cả thị trường. Vượt lên tất cả, ngành công thương đã có thêm bài học quý báu từ công tác điều hành thị trường trong nước, đảm bảo ổn định cung cầu ngay trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp và chuẩn bị hàng hóa cung ứng thị trường Tết Nguyên đán 2021.
Sử dụng robot trong chế biến trứng gia cầm tại Công ty Vĩnh Thành Đạt. Ảnh: CAO THĂNG
Sử dụng robot trong chế biến trứng gia cầm tại Công ty Vĩnh Thành Đạt. Ảnh: CAO THĂNG

Điều phối tốt hàng hóa, giá cả

Theo Tổ điều hành thị trường trong nước, năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 2,6% so với năm trước, mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020. Đây là thành công của Việt Nam trong thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”.

Trở lại thời điểm vào cuối quý 1-2020, do tác động của dịch Covid-19, nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm chế biến, công nghệ phẩm, các sản phẩm dùng cho công tác phòng chống dịch như khẩu trang, dung dịch sát khuẩn… tăng đột biến so với trước đó. Tại nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng người dân mua gom hàng hóa làm cho thị trường khan hiếm, giá cả tăng cao. Để đối phó với tình trạng trên, Bộ Công thương đã kịp thời ban hành các chỉ thị và triển khai kế hoạch hành động; chỉ đạo các địa phương có phương án bảo đảm nguồn cung mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng theo từng cấp độ diễn biến của dịch; có kế hoạch hỗ trợ cung ứng cho các địa phương khác khi cần thiết, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ, hàng hóa tại chỗ) và 3 sẵn sàng (chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương).

Mặt khác, bộ cũng chỉ đạo các DN phân phối lớn tăng lượng dự trữ, bảo đảm cung ứng các hàng hóa thiết yếu trên toàn hệ thống cho người dân; triển khai công tác thông tin tuyên truyền, cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, diễn biến dịch để ổn định tâm lý của người dân, tránh việc đổ xô đi mua hàng hóa gây mất cân đối cung cầu...

Bên cạnh việc đảm bảo nguồn hàng thiết yếu phục vụ đời sống, bộ cũng triển khai kịp thời công tác chỉ đạo sản xuất, phân phối, cung ứng các sản phẩm khẩu trang vải cho thị trường nhằm giảm áp lực đối với khả năng cung cấp khẩu trang y tế còn hạn chế, nhanh chóng ổn định thị trường khẩu trang, hỗ trợ lớn cho công tác phòng dịch hiệu quả.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho rằng, do thực hiện tốt công tác bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, hàng phòng dịch cho thị trường ngay trong giai đoạn đầu của dịch Covid-19 nên đã tạo được niềm tin, sự an tâm của người dân đối với việc bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường. Đến giai đoạn 2 và 3 của dịch, trên thị trường hầu như không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ, thị trường được bình ổn.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản có tính mùa vụ như vải, thanh long, dưa hấu bị giảm giá trong giai đoạn Covid-19 bùng phát, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, Bộ Công thương đã nỗ lực kết nối tiêu thụ trong nước và đàm phán với các nước nhập khẩu để phối hợp thực hiện các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu các mặt hàng này.

Sự chủ động, nhạy bén của TPHCM

Với đặc thù là một đô thị đông dân nhất cả nước, do vậy việc chuẩn bị và dự trữ hàng hóa với sản lượng lớn để ứng phó với khả năng lây lan của dịch Covid-19, đáp ứng tốt nhất nhu cầu tiêu dùng của người dân được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác điều hành năm 2020 của ngành công thương TPHCM.

Cụ thể, ngay trong quý 1-2020, Sở Công thương TPHCM đã ban hành Kế hoạch số 716 về đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, sữa trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp đối với dịch viêm đường hô hấp cấp gây ra. Theo đó, TPHCM đã chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong quý 1-2020 tăng 30%-40% so với cùng kỳ năm 2019. Mục tiêu của kế hoạch nhằm ngăn chặn việc lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá gây bức xúc trong dư luận xã hội để người dân an tâm, chủ động phòng, chống dịch trên địa bàn có hiệu quả, không để lây lan trong cộng đồng, đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân. Để thực hiện được mục tiêu này, Sở Công thương đã phối hợp sở ngành chức năng, các DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch tạo nguồn, dự trữ và cung ứng hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, tránh nguy cơ gây mất ổn định thị trường hàng hóa trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp đối với dịch viêm đường hô hấp cấp, đảm bảo nguồn cung chủ yếu từ 3 nguồn chính sau: các DN tham gia Chương trình Bình ổn thị trường (chiếm từ 30%-40% thị phần); các chợ đầu mối với các mặt hàng rau - củ - quả, thủy hải sản, thịt gia súc (chiếm 60%-70% thị phần); các DN khác (chiếm 10%-20% thị phần).

Các chợ đầu mối xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa trong giai đoạn phòng chống dịch; tăng cường kiểm tra, theo dõi số lượng hàng hóa xuất nhập; tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn và về chợ; nắm bắt tình hình kinh doanh, kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng của thương nhân trong chợ. Ban quản lý chợ kịp thời thông tin về nhu cầu thị trường đến thương nhân và tăng cường công tác kiểm tra lượng hàng cung ứng, chủ động điều phối, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa cục bộ, tăng giá đột biến. Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn xây dựng kế hoạch chuẩn bị dự trữ hàng hóa phục vụ phòng chống dịch, tăng lượng hàng dự trữ từ 2-3 lần so tháng thường.

Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong giai đoạn phòng, chống dịch, Sở Công thương tiếp tục theo dõi sát tình hình, diễn biến cung - cầu đối với mặt hàng thực phẩm thiết yếu, chủ động xây dựng, đề xuất các phương án nhằm ổn định thị trường; xây dựng và triển khai kế hoạch cung cấp thực phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn; khuyến khích các DN tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, dự trữ, cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu bao gồm lương thực (gạo, mì gói, bún khô…), đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng, thực phẩm chế biến, rau củ quả... cam kết cung ứng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn.

TPHCM cũng chủ động làm việc với các địa phương có nguồn cung lượng hàng lớn cho TP như Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang,... để nắm bắt tình hình hoạt động nuôi trồng, sản xuất, cung ứng hàng hóa. Trong trường hợp dịch lan rộng trong cộng đồng, sở chủ động làm việc với các hệ thống phân phối có kế hoạch phân phối, cung ứng hàng hóa theo hình thức, phương thức phù hợp, tránh tình trạng đứt hàng cục bộ gây tâm lý hoang mang.

Theo nhận định của Sở Công thương, tuy chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng nhờ sự chuẩn bị nguồn hàng đầy đủ, đa dạng và ổn định về giá nên lĩnh vực thương mại luôn duy trì sức mua tăng trưởng ổn định. TPHCM phát triển được hệ thống phân phối hiện đại, thương mại điện tử được khuyến khích phát triển và người dân dần chuyển thói quen sang mua sắm trực tuyến, các giải pháp kết nối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường được triển khai thường xuyên và hiệu quả, thể hiện được vai trò của một trung tâm phân phối, lưu chuyển hàng hóa. Hàng hóa lưu thông được thông suốt, cung đảm bảo cầu, chính là điểm nổi bật của ngành công thương TPHCM trong năm 2020. Nói cách khác, năm 2020 là năm đầy khó khăn, thách thức song với thành quả đạt được, sẽ là bài học quý giá cho hoạt động điều hành thị trường, giá cả. Nếu chúng ta có những chủ trương đúng đắn, kịp thời cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và các DN thì mọi khó khăn, thách thức đều có thể vượt qua.

Cùng vào cuộc, hàng loạt DN sản xuất các mặt hàng thiết yếu như Vifon, Miliket (cung cấp các sản phẩm ăn liền); Vinh Phát, Tấn Vương (gạo); Vissan (thịt gia súc tươi, thực phẩm chế biến)… đã dừng hẳn việc xuất khẩu để dồn sức, dồn hàng cho thị trường nội địa, đảm bảo nguồn hàng dồi dào, giá cả ổn định. Các DN như Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, San Hà (cung cấp trứng, thịt gia cầm) cũng cam kết tăng lượng hàng để bình ổn thị trường trong mùa dịch.

-----------------

Hiện nay, dù dịch đã cơ bản được khống chế nhưng các DN có quy mô phân phối lớn trên địa bàn TP như Saigon Co.op, Satra, Vinmart, Lotte Mart, Big C, MM Mega Market, Aeon Mall… vẫn tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường, luôn có phương án dự trữ hàng hóa với số lượng lớn, giá cả ổn định để đáp ứng đầy đủ và liên tục cho thời điểm hiện nay cũng như trong dịp mua sắm cao điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sắp tới.

Tin cùng chuyên mục