Cụ thể, với đề án “Phát triển xuất khẩu trên địa bàn TPHCM đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, Sở Công thương TPHCM đã phối hợp với Viện Chính sách công (Trường Đại học Kinh tế TPHCM) và các chuyên gia giảng dạy Chương trình Kinh tế Fulbright, các hội, hiệp hội ngành nghề và đơn vị liên quan thực hiện khảo sát 195 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu; đồng thời tổ chức hội thảo “Định vị danh mục sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu và định hướng hoạt động xuất khẩu thành phố giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030” nhằm công bố một phần kết quả phân tích theo mô hình không gian sản phẩm; từ đó tiếp thu ý kiến đóng góp, phản biện của các sở ban ngành và chuyên gia kinh tế. Viện Chính sách công đang hoàn chỉnh báo cáo kết quả đề án theo góp ý của các thành viên để trình UBND TPHCM xem xét.
Đề án trên được xem là công việc quan trọng mà sở sẽ hoàn thành trong năm 2019 và để thực hiện đề án này, Sở Công thương TPHCM còn phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tổ chức hội thảo “Báo cáo kinh nghiệm quốc tế về thành lập trung tâm logistics” và triển khai chương trình khảo sát các hệ thống cảng biển vùng Wallonia tại Bỉ, vùng Rotterdam (Hà Lan) và Bremen (Đức) với các nội dung như nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm về lĩnh vực dịch vụ logistics; phát triển ngành logistics thành ngành dịch vụ mũi nhọn của thành phố; xác định vị trí xây dựng các trung tâm logistics, hạ tầng phục vụ ngành logistics… Sở Công thương có báo cáo kiến nghị với UBND TPHCM các chính sách hỗ trợ DN phát triển ngành logistics trên địa bàn TPHCM.
Trong lĩnh vực hóa chất, Sở Công thương TPHCM đang tiếp tục rà soát, lấy ý kiến liên quan đối với Quyết định số 31/2015/QĐ-UBND của UBND TPHCM về Quy chế phối hợp quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh hóa chất trên địa bàn TP và Quyết định số 46/2016/QĐ-UBND Quy định về hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng, tồn trữ và vận chuyển hóa chất nguy hiểm trên địa bàn TP; kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung không còn phù hợp theo quy định hiện hành. Tiếp tục thực hiện quy trình tiếp theo của thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đề án thành lập một trung tâm kinh doanh hương liệu, hóa chất; phối hợp thực hiện các thủ tục về thu hồi đất; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư tạo quỹ đất xây dựng Trung tâm Kinh doanh hương liệu, hóa chất TP.
Trong lĩnh vực công thương, Sở Công thương TPHCM sẽ tổ chức thực hiện các nội dung thuộc chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, chương trình giảm thiểu sử dụng túi ni lông trong lĩnh vực công thương, chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Phối hợp với các sở ngành liên quan thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của các DN ngành công thương, cụm công nghiệp và các loại hình phân phối; trong đó bao gồm cả kiểm tra việc thực hiện các nội dung, biện pháp bảo vệ môi trường và vận hành thử nghiệm các công trình xử lý môi trường của dự án thuộc lĩnh vực công thương. Kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, lưu trữ và sử dụng hóa chất đặc thù chuyên ngành công nghiệp. Giám sát, kiểm tra việc thực hiện các nội dung trong kế hoạch, biện pháp ngăn ngừa ứng phó sự cố của các đơn vị hoạt động hóa chất nguy hiểm…
Việc quản lý điện năng, Sở Công thương TPHCM phối hợp Tổng công ty Điện lực TPHCM trình UBND TP ban hành quy trình thí điểm về cơ chế phối hợp giữa cơ quan nhà nước và ngành điện lực trong việc giải quyết các thủ tục cấp điện qua lưới trung áp với mục tiêu tiếp tục giảm tổng thời gian giải quyết các thủ tục liên quan đến cấp điện của ngành điện và cơ quan nhà nước, giảm số lượng thủ tục hành chính và thu về một đầu mối khâu tiếp nhận hồ sơ nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận điện năng, nâng cao năng lực cạnh tranh TP.