Bám sát các nhiệm vụ được giao
Theo Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TPHCM đề ra nhiệm vụ “nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển nhanh các ngành kinh tế chủ lực có giá trị gia tăng cao, phát triển công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và tiếp tục phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu”.
Trong đó, nhiệm vụ cụ thể ngành công thương được giao thực hiện gồm 3 chương trình: Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) và sản phẩm ngành cơ khí - tự động hóa, cao su - nhựa, chế biến thực phẩm TP giai đoạn 2020-2030 thuộc Chương trình trọng điểm phát triển DN, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực của TPHCM; thực hiện chương trình kết nối các ngân hàng, tổ chức tài chính và Nhà nước để hỗ trợ vốn cho DN khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa trên địa bàn TP giai đoạn 2020-2025; triển khai Đề án phát triển ngành logistics trên địa bàn TP đến năm 2025-2030 thuộc Chương trình đột phá phát triển hạ tầng TPHCM được UBND TPHCM thông qua tại Quyết định số 44 ngày 2-12-2020.
Nghị quyết 89 của HĐND TPHCM về nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2021 cũng có 5/9 nhiệm vụ liên quan đến ngành công thương như: tập trung triển khai có hiệu quả năm chủ đề “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”; tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 và triển khai có hiệu quả các chương trình hồi phục kinh tế trên các ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế…
Bên cạnh đó, ngành công thương sẽ tập trung triển khai các đề án, chương trình trọng điểm như Đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn TP đến năm 2025-2030; Đề án Phát triển thương mại điện tử trên địa bàn TP đến năm 2025-2030; Đề án Phát triển xuất khẩu trên địa bàn TP đến năm 2025-2030; danh mục “Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của TPHCM giai đoạn 2021-2025”.
Căn cứ vào các nội dung nêu trên sẽ có 14 danh mục các chương trình, đề án và nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021 ngành công thương TPHCM cần triển khai thực hiện.
Ưu tiên phát triển ngành có giá trị gia tăng cao
Để triển khai hiệu quả các danh mục với tầm nhìn kế hoạch dài hạn giai đoạn 2020-2025, Sở Công thương xác định có 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2021: Một là, triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa, khẩu trang phục vụ hiệu quả công tác phòng chống dịch. Đây được xem là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu nhằm góp phần tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Hai là, triển khai các giải pháp hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh, mở rộng và phát triển thị trường: Tham mưu UBND TPHCM các giải pháp hỗ trợ DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực và tiềm năng của TP giai đoạn 2021-2025 và các DN có sản phẩm được bình chọn Thương hiệu vàng TPHCM năm 2020; triển khai Chương trình bình ổn thị trường năm 2021 hỗ trợ DN mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa; tổ chức các chương trình xúc tiến công thương, trong đó tập trung tổ chức chương trình khuyến mãi tập trung năm 2021; nâng chất và đổi mới các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, công nghiệp hỗ trợ như: hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh thành, hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ, triển lãm quốc tế về công nghiệp hỗ trợ; tiếp tục triển khai các chương trình kích cầu đầu tư, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh.
Ba là, tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong 3 chương trình đột phá, 1 chương trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TPHCM và quy hoạch phát triển ngành thương mại TP đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Xây dựng, triển khai Kế hoạch phát triển ngành công thương TPHCM giai đoạn 2021-2025, trong đó hướng đến mục tiêu hỗ trợ phát triển nhanh các ngành kinh tế chủ lực có giá trị gia tăng cao, phát triển công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ của UBND TPHCM và tiếp tục phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu; tạo điều kiện phát triển thành trung tâm mua sắm của cả nước và khu vực; tập trung quy hoạch hạ tầng dịch vụ để thành phố tiếp tục là trung tâm lớn nhất về hoạt động cảng, logistics và dịch vụ xuất khẩu miền Nam.
Bốn là, triển khai thực hiện chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư tại TPHCM”, trong đó tập trung nâng cao chất lượng phục vụ người dân và DN; rà soát, khắc phục các hạn chế trong hoạt động cải cách hành chính, chú trọng nâng cao chỉ số cải cách hành chính của ngành công thương TP. Đồng thời hướng dẫn Phòng kinh tế TP Thủ Đức và các quận huyện thực hiện các nhiệm vụ của chính quyền đô thị thuộc phạm vi quản lý của ngành công thương theo Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tăng cường tiếp xúc, gặp gỡ DN, gắn kết và phát huy vai trò của các hiệp hội ngành nghề trong việc nắm bắt tình hình hoạt động, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN. Tham mưu UBND TPHCM tổ chức các hội nghị gặp gỡ giữa DN với lãnh đạo thành phố, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, kích cầu đầu tư. Tham mưu UBND TPHCM tổ chức kêu gọi đầu tư phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 7 trung tâm logistics đã được chấp thuận chủ trương theo Đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn TP.
Năm là, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thông qua chương trình chuyển đổi số của TPHCM, triển khai 2 nội dung chương trình nhánh, gồm chuyển đổi số trong logistics và chuyển đổi số trong năng lượng. Phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (đơn vị chủ trì) xây dựng Chương trình phát triển kinh tế số TPHCM giai đoạn 2021-2025, trong đó nghiên cứu bộ chỉ số đo lường và đề xuất giải pháp phát triển kinh tế số thuộc lĩnh vực công thương TP.
Sáu là, triển khai các giải pháp thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có Đề án “Thúc đẩy quan hệ giữa TPHCM với các địa phương trọng điểm thuộc các nước là đối tác chiến lược của Việt Nam, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững của TPHCM giai đoạn 2020-2025”, tập trung thúc đẩy hoạt động thu hút đầu tư vào TPHCM, đồng thời xúc tiến thương mại và đầu tư vào các địa phương trọng điểm. Tổ chức các hội nghị, hội thảo phổ biến cho DN về các nội dung trọng tâm của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia; hỗ trợ DN kịp thời nắm bắt, tận dụng cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ngoài ra, sở sẽ thực hiện 2 giải pháp còn lại gồm đẩy mạnh công tác thu thập thông tin, thống kê phục vụ công tác phân tích, đánh giá các chỉ tiêu chủ yếu của ngành công thương, làm cơ sở xây dựng các giải pháp phát triển công nghiệp, thương mại TP. Kiện toàn, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp, phát huy năng lực của cán bộ, công chức trong tham mưu, giải quyết công việc và nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Tại buổi phê duyệt nội dung triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của Sở Công thương TPHCM mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng đã đánh giá cao kế hoạch triển khai chương trình công tác, đồng thời thống nhất với 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp của ngành. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ hiện có tốc độ phát triển nhanh qua từng năm, có những bước tiến mang tính đột phá và có tỷ lệ đóng góp cao nhất (hơn 62%) vào tăng trưởng của tổng sản phẩm trên địa bàn TPHCM (GRDP), do vậy, TPHCM sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho ngành công thương nói chung và các DN nói riêng hoạt động có hiệu quả và đạt các chỉ tiêu cơ bản đã đề ra năm 2021. |