Thiếu cơ chế trong kết nối, cung cầu hàng hóa
Chương trình kết nối cung cầu, hàng hóa giữa các tỉnh, thành phía Nam là 1 trong 3 chủ đề chính được các đại biểu thảo luận khá kỹ. Nhiều ý kiến lo ngại, cho rằng việc thực hiện lộ trình giảm thuế về 0% sẽ tạo động lực cho xuất khẩu nhưng sẽ là thách thức cho các mặt hàng trong nước đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp đến từ các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển như Mỹ, Australia, New Zealand…
Trong bối cảnh đó, hoạt động cung cầu hàng hóa tại các tỉnh, thành phía Nam vẫn chưa mang lại hiệu quả mong muốn, mặc dù TPHCM và các tỉnh, thành đã thực hiện nhiều chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, tổ chức hàng loạt cuộc hội thảo để bàn về vấn đề này. Tình hình tiêu thụ nông sản còn gặp nhiều khó khăn, nông dân còn gặp tình trạng ép giá của thương lái; tình trạng “dội chợ, rớt giá” diễn ra trên diện rộng, ở nhiều sản phẩm khác nhau.
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho rằng do vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến phát triển chưa theo quy hoạch, còn manh mún, nhỏ lẻ và thiếu bền vững. Sự hợp tác, gắn kết giữa nông dân sản xuất, doanh nghiệp (DN) và cơ sở chế biến chưa chặt chẽ, thiếu cơ chế ràng buộc. Đã xảy ra nhiều trường hợp bị bể hợp đồng do người sản xuất không giữ chữ tín, được giá là bán cho người khác, thay vì thực hiện đúng hợp đồng với DN…
Cùng quan điểm trên, theo đại diện Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, các DN, HTX vẫn sản xuất hàng hóa theo tập quán truyền thống, nhiều loại nông sản chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, mẫu mã bao bì sản phẩm, vận chuyển. Sự phối hợp với các địa phương chưa kịp thời để có thể đáp ứng yêu cầu đột xuất của thị trường.
Theo ông Nguyễn Minh Toại, cần có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa trong sản xuất và phân phối nhằm tránh tình trạng phải cứu hết con này đến quả kia. Nhiều ý kiến đề xuất Sở Công thương TPHCM nên là đơn vị chủ trì, hỗ trợ các tỉnh tổ chức luân phiên hoạt động kết nối cung cầu tại các tỉnh. Tổ chức thường xuyên các chương trình gặp gỡ giữa nhà sản xuất và phân phối để cùng trao đổi về thủ tục mua bán, ký gửi hàng hóa và các yêu cầu khi ký hợp đồng. Về phía các tỉnh nên quan tâm kết quả của DN sau khi kết nối để có sự hỗ trợ, giúp DN đáp ứng yêu cầu còn thiếu khi đưa hàng vào kênh phân phối như quy hoạch vùng để tạo vùng nguyên liệu ổn định, quy trình sản xuất, bảo quản sau thu hoạch…
Kiên quyết lập lại chuỗi cung ứng thịt heo
Trong phần thảo luận về phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, nhiều đại biểu băn khoăn vì đến nay vẫn chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu, chưa xây dựng được nguồn thực phẩm sạch từ gốc. Liên quan đến Đề án quản lý, truy xuất và nhận diện nguồn gốc thịt heo do Sở Công thương TPHCM xây dựng và triển khai, một số ý kiến cho rằng, việc đưa đề án vào thực tiễn là quá sớm, còn bộc lộ một số vấn đề như chưa có cơ sở pháp lý để triển khai và xử lý các trường hợp vi phạm, nên có sự áp dụng đề án đồng bộ trên địa bàn cả nước, việc sử dụng công nghệ trong truy xuất chưa thực sự tiên tiến vì có thể làm giả con tem…
Phản hồi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM nhấn mạnh, đây là một đề án mở nên rất cần sự hợp tác, đóng góp ý kiến của nhiều tỉnh, thành. Trên thực tế, truy xuất nguồn gốc là phù hợp với xu hướng thế giới.
“Tại sao chúng ta bán hàng cho nước ngoài thì quản lý chất lượng rất chặt chẽ nhưng bán cho người trong nước lại bỏ ngỏ điều này. TPHCM có đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai đề án và kiên quyết thực hiện để lập lại chuỗi cung ứng hàng hoá nhằm mang lại nguồn thực phẩm sạch, đây cũng là cách tôn trọng người tiêu dùng trong nước. Sau thịt heo, TPHCM đang tiến hành nhiều bước để tiến tới truy xuất nguồn gốc mặt hàng thịt và trứng gia cầm kể từ ngày 1-9 sắp tới” - ông Nguyễn Ngọc Hòa nói.
Bên cạnh một số ý kiến trái chiều, đại đa số các tỉnh, thành nhìn nhận, việc quản lý nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng công nghệ thông tin là cách làm duy nhất để cơ cấu lại ngành chăn nuôi theo hướng phát triển bền vững, đồng thời trả lại sự công bằng cho các trang trại, DN làm ăn chân chính, tiến tới xóa bỏ tình trạng “vàng thau lẫn lộn” lấy lại niềm tin của người tiêu dùng với thịt heo trong nước.
Đây cũng là tiền đề hướng tới việc tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng hoạt động sản xuất, chế biến và phân phối thực phẩm của cơ quan quản lý nhà nước trên cơ sở quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Cách làm này rất cần thiết để DN có thể hội nhập và nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp. Nếu các DN, các tỉnh, thành không hợp tác chặt chẽ với TPHCM để hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm sạch, chắc chắn sẽ bị mất cơ hội.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo nhiều cơ hội để phát triển
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra cơ hội cũng như áp lực về đổi mới công nghệ đối với các quốc gia đang phát triển. Các Hiệp định Thương mại tự do dần phát huy tác dụng, tác động đến tình hình sản xuất và xuất khẩu của các nước là thành viên.
Dự báo trước diễn biến tình hình hiện nay, ngành công thương tiếp tục đặt mục tiêu cả năm 2017, chỉ số phát triển ngành tại các tỉnh thành phía Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mức tăng bình quân chung cả nước. Trong đó, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ của khu vực tăng 11,51%; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 11,6% so với năm 2016.
Công nghiệp hỗ trợ - Mạnh ai nấy làm!
Tại chuyên đề bàn về “Kết nối phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT)”, đại diện các DN cho rằng, mặc dù TPHCM là trung tâm chính trị - kinh tế lớn của cả nước nhưng ngành CNHT còn rất khiêm tốn, mới đáp ứng khoảng 30% phục vụ trong các ngành như: Ô tô, máy công nghiệp, cơ khí, điện tử, tin học... Do đó, các DN mất rất nhiều cơ hội khi nhà đầu tư tìm đến nhưng lại bỏ đi.
Bên cạnh đó, đại diện các hiệp hội ngành hàng cho rằng, ngoài thực trạng yếu và thiếu của CNHT, việc mạnh ai nấy làm và thiếu sự kết nối càng khiến CNHT thêm èo uột. “Tính liên kết giữa các ngành CNHT, trọng yếu chưa cao; liên kết chuỗi giá trị chưa có. Chỉ có một số DN có quan hệ thân hữu tạo được liên kết, hỗ trợ sản xuất, sử dụng sản phẩm của nhau. Trong khi đó, nhiều DN phải tự tìm con đường riêng cho mình thay vì liên kết, kết nối tạo nên sức mạnh cạnh tranh trong hội nhập. Nguyên nhân là do các DN thiếu sự tin tưởng vào hiệu quả của việc liên kết”, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí-điện TPHCM Đỗ Phước Tống, đánh giá.