Tại triển lãm, đại diện ban tổ chức cho biết, Việt Nam là một trong những nước có cường độ sử dụng năng lượng cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng tiêu thụ năng lượng cao nhất, khoảng 47,3% tổng năng lượng. Mục tiêu đến năm 2030, năng lượng phải đáp ứng đủ nhu cầu điện cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng bình quân 7%/năm.
Hiện nay, nguồn năng lượng đang chủ yếu được khai thác mạnh từ các nhiên liệu không tái tạo như than đá, dầu mỏ và những nguồn năng lượng này đang suy thoái, cạn kiệt nghiêm trọng. Trong khi đó, nguồn thủy điện quy mô lớn và trung bình hầu như đã được khai thác hết. Việc lạm dụng những nguyên liệu trên cũng kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và cuộc sống. Để đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu thụ điện và mục tiêu an ninh năng lượng, Việt Nam đang từng bước nỗ lực cải thiện chất lượng mạng lưới truyền tải và gia tăng công suất phát điện, cũng như phát triển các nguồn năng lượng mới. Trong Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam, Chính phủ đã đặt mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo sẽ đạt khoảng 44% vào năm 2050. Việc áp dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất và sinh hoạt sẽ là khoản đầu tư có lợi về mặt kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của hiệu ứng nhà kính và giảm ô nhiểm môi trường. Và để đi theo định hướng đó, ngành năng lượng cần có những bước cải tiến mạnh mẽ về công nghệ và kỹ thuật, cập nhật thêm kiến thức mới, tăng cường các giải pháp đặc thù để phát triển nguồn năng lượng xanh.
Nhìn chung, tương lai ngành công nghiệp điện và năng lượng ở Việt Nam rất khả quan, nhất là khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang thúc đẩy sự phát triển của ngành này tại Việt Nam.