Ngành công nghiệp ô tô chật vật phục hồi sau dịch

Theo Hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit, doanh số ô tô toàn cầu trong năm 2020 có thể giảm 22% so với 2019, tương đương hơn 70 triệu xe do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thống kê này cho thấy, thị trường ô tô toàn cầu đang trải qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay.
Mua ô tô trực tuyến là giải pháp được khách hàng lựa chọn sau đại dịch
Mua ô tô trực tuyến là giải pháp được khách hàng lựa chọn sau đại dịch

Trật tự bị xáo trộn

Cũng theo IHS Markit, trật tự vốn có của ngành ô tô đã xáo trộn khi nhu cầu mua sắm bị trì hoãn, chuỗi cung ứng quy mô toàn cầu bị phá hủy. Mức sụt giảm mạnh nhất diễn ra ở các thị trường có mức tiêu thụ xe lớn như Mỹ, châu Âu và châu Á. Mỹ là quốc gia dẫn đầu mức giảm với con số dự đoán là khoảng 26,6%, tương đương 12,5 triệu xe so với năm ngoái. Đây là con số thấp nhất kể từ năm 2010, thời điểm sức mua ô tô nước này ở mức 11,6 triệu xe khi kinh tế bắt đầu khởi sắc sau giai đoạn đại suy thoái những năm 2000. Doanh số tiêu thụ xe tại Mỹ đã giảm đến 46% trong tháng 4 năm nay.

Trong khi đó, mức giảm doanh số tiêu thụ ở thị trường ô tô khu vực Tây và Trung Âu được dự báo khoảng 24,9% trong 2020. Trong tháng 3 năm nay, doanh số tiêu thụ xe tại châu Âu giảm xuống 55% và các nhà máy chỉ hoạt động khoảng 40% công suất. Sức mua giảm, hoạt động sản xuất bị ngưng trệ đã gây ảnh hưởng đến hơn 1,1 triệu người lao động. Kết quả một cuộc thăm dò hàng loạt giám đốc điều hành của nhiều hãng xe châu Âu cho thấy, có đến hơn 1/3 người cho rằng phải mất đến 2 năm ngành công nghiệp ô tô tại thị trường này mới được phục hồi.

Ở châu Á, riêng với thị trường khổng lồ như Trung Quốc, doanh số dự báo sụt giảm khoảng 15,5% trong 2020. Nếu trở thành hiện thực, đây là mức giảm liên tiếp và cao nhất trong 3 năm qua của thị trường xe hơi Trung Quốc. Các hãng xe Nhật Bản cũng gặp khó ngay tại quê nhà, khi doanh số ô tô tháng 4 vừa qua của đất nước mặt trời mọc suy giảm 28,6% so với cùng kỳ năm 2019. Theo Hiệp hội Các nhà kinh doanh ô tô Nhật Bản (JADA), đây là mức doanh số thấp thứ 3 kể từ năm 1968, khi việc thống kê được bắt đầu. Theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc (KAMA), xuất khẩu ô tô nước này chỉ đạt 44,3% so với cùng kỳ tháng 4, do dịch Covid-19 tác động khiến hoạt động của các đại lý (bao gồm cả 5 thị trường lớn ở châu Âu) bị ngưng trệ.

Tại Ấn Độ, việc hơn 100 nhà máy sản xuất linh kiện ô tô đã đóng cửa hơn một tháng khiến các nhà sản xuất lần đầu tiên ghi nhận doanh số (tính bằng số xe giao cho các đại lý) ở mức 0. Điều này sẽ tác động lớn tới sức tăng trưởng kinh tế Ấn Độ, nơi ngành công nghiệp ô tô mỗi tháng xuất xưởng 2,19 triệu xe các loại, đóng góp 7,1% GDP và tạo ra 35 triệu việc làm.

Khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, hoạt động sản xuất ô tô lần lượt được nối lại tại nhiều nước trên thế giới. Phần lớn đều chọn thời điểm đầu hoặc giữa tháng 5, tùy vào khả năng nối lại chuỗi cung ứng. Đối với các nhà chế tạo ô tô cũng như các nhà cung ứng linh kiện trên toàn cầu, việc tái khởi động hoạt động sản xuất chính là yếu tố sống còn để chấm dứt tình trạng bị tê liệt do biện pháp phong tỏa kéo dài. Việc các nhà máy ô tô khôi phục hoạt động còn hỗ trợ cho thúc đẩy các hoạt động kinh tế.

Một nhà máy sản xuất ôtô tại Zwickau, Đức


Biện pháp hỗ trợ

Bên cạnh việc bật đèn xanh cho ngành công nghiệp ô tô hoạt động trở lại, chính phủ các nước lần lượt công bố nhiều biện pháp hỗ trợ. Tại châu Âu, Pháp là quốc gia sớm đề ra biện pháp hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố kế hoạch chi 8 tỷ EUR để vực dậy ngành công nghiệp ô tô, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Trong đó, ưu tiên cho ô tô điện để đưa Pháp trở thành nước dẫn đầu châu Âu trong lĩnh vực này.

Ở khu vực châu Á, từ tháng 3, Chính phủ Nhật Bản đã công bố một loạt biện pháp nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp ô tô vốn dễ bị tổn thương, bao gồm viện trợ tài chính cho các công ty muốn chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc (vào thời điểm đó Trung Quốc vẫn là tâm dịch Covid-19) về nước hoặc tới các quốc gia Đông Nam Á. Những nhà sản xuất có thể tiếp cận các khoản vay và hỗ trợ vốn có của chính phủ, nhưng các gói hỗ trợ này thường được thiết kế dành cho khối doanh nghiệp nhỏ.

Hàn Quốc đang đặt kỳ vọng vào thị trường nội địa do hưởng lợi từ việc cắt giảm 70% thuế tiêu thụ cá nhân đối với các mẫu ô tô được bán và giao từ tháng 3 đến cuối tháng 6-2020. Hồi cuối tháng 4, Tập đoàn Hyundai tuyên bố đang chuyển trọng tâm vào việc tăng doanh số bán hàng trong nước bằng cách sắp xếp lại lịch sản xuất các mẫu xe phổ biến tại thị trường Hàn Quốc, bao gồm SUV GV80 và Palisade, Genesis G80 và Grandeur, mẫu xe mui trần Kia K5 và K7 mới, Kia Sorento và Mohave.

Nhằm vực dậy doanh số bán ô tô tại thị trường ô tô vốn đang giữ vị trí số 1 thế giới, hồi tháng 3, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ gia hạn chính sách trợ cấp và miễn giảm thuế cho xe năng lượng mới (gồm xe điện và xe hybrid sạc điện) đến cuối năm 2022. Đây được xem là giải pháp để giúp phân khúc ô tô điện, hybrid lấy lại đà tăng trưởng. Nước này cũng đã công bố các biện pháp đẩy mạnh tiêu thụ xe truyền thống như áp dụng tiêu chuẩn khí thải Trung Quốc-VI (tương tự tiêu chuẩn của châu Âu Euro-VI) đối với các phương tiện thương mại hạng nhẹ và mở rộng xuất khẩu ô tô đã qua sử dụng.

Điểm sáng hiện nay là dù hoạt động sản xuất mới được khôi phục, nhưng doanh số bán hàng đang có dấu hiệu phục hồi nhanh tại Mỹ và Trung Quốc. Lý do xuất phát từ chuyện người tiêu dùng lo lắng cho sức khỏe của mình khi sử dụng các phương tiện công cộng sau đại dịch. Từ nhiều năm qua, các nhà sản xuất ô tô chứng kiến tỷ lệ sở hữu phương tiện cá nhân ở người trẻ và người dân sống tại thành thị giảm đáng kể, vì một phần cơ sở hạ tầng giao thông công cộng tốt hơn, cũng như xu hướng đi xe chung, taxi hay thuê xe bùng nổ. Cụ thể, tại Trung Quốc, khi chính phủ vừa ra lệnh nới lỏng các biện pháp phong tỏa, ngay lập tức số người sử dụng ô tô cá nhân tăng vọt. Trong tháng 4, ngành sản xuất ô tô Trung Quốc đã bán được 2,07 triệu xe trong tháng 4, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn là do sự gia tăng doanh số bán xe thương mại.

Tại Mỹ, khi các hoạt động bán ô tô trực tiếp như phòng trưng bày ô tô (showroom) đều phải đóng cửa để phục vụ giãn cách xã hội, khách hàng lại tìm đến các đại lý ô tô thông qua nền tảng điện tử. Nếu như trước đây, người tiêu dùng không bao giờ nghĩ tới việc mua ô tô qua mạng thì nay lại là điều họ cảm thấy hoàn toàn thoải mái. Khách hàng có thể lựa chọn tiến trình thực hiện mua bán trực tuyến diễn ra như thế nào, từ lên lịch lái thử cho đến giao xe. Việc mua bán xe trực tuyến sẽ giúp người dùng hạn chế thời gian chờ đợi tại các đại lý và có nhiều lựa chọn linh hoạt như tự lấy xe hay xe được giao tới tận nhà - hoạt động mà Tesla Motors và một số đại lý ô tô như Carvana đang thực hiện từ nhiều năm trở lại đây.

Dự đoán về xu hướng mới trong ngành ô tô, ông Daryl Kenningham, Chủ tịch Group 1 Automotive tại Mỹ, cho rằng, đại dịch sẽ có tác động dài hạn đối với ngành công nghiệp ô tô cũng như thói quen mua sắm của khách, đặc biệt là những hoạt động mua hàng trực tuyến.

Tin cùng chuyên mục